Triệu Sơn (Thanh Hóa): Cần làm rõ việc HTX đá Đồng Thắng khai thác tận thu hay khai thác đá ốp lát

Tài nguyên - Ngày đăng : 11:27, 08/08/2018

(TN&MT) - Không những khai thác không đúng thiết kế mỏ, khai thác vách đứng, hàm ếch, gây ô nhiễm môi trường. Trong nhiều năm qua, mặc dù chỉ được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá ốp lát… thế nhưng HTX Đồng Thắng với “vỏ bọc” tận thu đá ốp lát, trong suốt thời gian qua không tuân thủ theo quy định trong giấy phép mà khai thác đá ốp lát một cách tràn lan khiến cho tài nguyên quốc gia bị tổn thất, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Ngày 1/8/2018 Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường đăng bài “Triệu Sơn (Thanh Hóa): Hợp tác xã Đồng Thắng không đảm bảo an toàn trong khai thác đá?”, phản ánh việc Hợp tác xã khai thác đá không đúng thiết kế mỏ, khai thác vách đứng, kiểu hàm ếch để lại đá om, đá treo gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người lao động.

Những cục đá xẻ to tập kết để chuẩn bị đưa vào chế biến
Những cục đá xẻ to tập kết để chuẩn bị đưa vào chế biến

Theo Giấy phép số 449/GP-UBND ngày 16/11/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất cho HTX chế biến đá Đồng Thắng và được phép khai thác chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá khối sản xuất đá ốp lát tại xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn. Với diện tích mỏ là 23.758m2; trong đó, diện tích khu vực khai thác là 8.758m2. Trữ lượng khai thác 289.273m3; trong đó, đá vôi sản xuất vật liệu xây dựng thông thường là 267.288m3; đá khối sản xuất đá ốp lát là 21.985m3, Công suất khai thác 12.000m3/năm, thời hạn khai thác 24 năm 6 tháng.

Xưởng chế biến đá xẻ đầy ắp đá
Xưởng chế biến đá xẻ đầy ắp đá
 

Trong giấy phép tại Điều 2 nêu rõ: HTX Đồng Thắng tiến hành hoạt động khai thác mỏ theo đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng, công suất khai thác. Thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án đầu tư khai thác đã được phê duyệt. Quản lý, sử dụng các sản phẩm khai thác, chế biến theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, theo giấy phép khai thác của HTX đá Đồng Thắng, công suất khai thác một năm là 12.000m3, tận thu khối đá ốp lát dưới 10% là 1.200m3/năm = 100m3/tháng. Thế nhưng, PV có mặt tại xưởng sản xuất đá của HTX đá Đồng Thắng, toàn bộ xưởng chỉ có sản xuất đá xẻ, các kho chứa hàng toàn bộ là đá ốp lát, số sản lượng tại xưởng gấp trăm nghìn lần so với trữ lượng cấp phép trong giấy phép khai thác đã được UBND tỉnh cấp. Tại đây những khối tảng đá to đổ ngổn ngang được khai thác từ mỏ đá núi Vàng vận chuyển về xưởng để xẻ, tại xưởng sản xuất không có bể chứa nước thải, nước thải lẫn bột đá chảy lênh láng khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đá được đưa vào xẻ
Đá được đưa vào xẻ
 

Theo quan sát của PV, tại mỏ đá của HTX đá Đồng Thắng không tuân thủ theo quy trình khai thác đá, không đầu tư dây truyền công nghệ cắt dây phục vụ khai thác đá theo quy định của UBND tỉnh mà chỉ tập trung khai thác khối đá để sản xuất đá xẻ gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Khai thác đá với khối lượng lớn, không đúng trữ lượng, công suất khai thác, khai thác vách đứng, hàm ếch để lại nhiều đá om, đá treo gây mất an toàn cho người lao động.

Theo công văn số 15677/UBND-CN ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc yêu cầu đầu tư dây truyền công nghệ, thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động khai thác, chế biến tại các mỏ đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền chỉ đạo: Đối với các mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có tận thu đá khối để sản xuất đá xẻ: Yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác mỏ tổ chức khai thác theo đúng dự án đầu tư, thiết kế khai thác mỏ được thẩm định, phê duyệt theo quy định; đồng thời các đơn vị đầu tư dây truyền công nghệ thiết bị hiện đại (công nghệ cắt dây) phục vụ hoạt động khai thác đá nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi đá khối sản xuất đá xẻ; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản sau khai thác, đảm bảo môi trường và an toàn lao động.

Đá được đánh dấu để phân loại
Đá được đánh dấu để phân loại
 

Cũng trong công văn nêu rõ: Đơn vị nào không đầu tư dây truyền công nghệ, thiết bị nghiền, sàng để sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường theo dự án được duyệt, mà chỉ tập trung khai thác đá khối để sản xuất đá xẻ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý theo đúng quy định của nhà nước.

PV Báo Tài nguyên & Môi trường trao đổi với ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: Việc HTX đá Đồng Thắng khai thác không đúng thiết kế mỏ, khai thác vượt trữ lượng đá khối để sản xuất đá ốp lát gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, huyện đã tiếp nhận thông tin của báo và đang giao phòng TNMT đi kiểm tra?

Công văn của UBND tỉnh quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đưa công nghệ mới vào khai thác nhưng hiện tại doanh nghiệp vần khai thác thủ công
Công văn của UBND tỉnh quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đưa công nghệ mới vào khai thác nhưng hiện tại doanh nghiệp vần khai thác thủ công
 

Cũng theo ông Nguyễn Tất Cầu, Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng khẳng định: Tại mỏ đá núi Vàng của HTX đá Đồng Thắng khai thác chủ yếu là đá xẻ và tại xưởng sản xuất cũng chỉ sản xuất đá xẻ ốp lát, chứ không sản xuất đá vật liệu xây dựng.

Rõ ràng, việc HTX đá Đồng Thắng không phải khai thác tận thu. Mà trong quá trình khai thác đơn vị này chỉ hoàn toàn khai thác đá xẻ, đá ốp lát; mà không khai thác chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là trái với Giấy phép số 449/GP-UBND ngày 16/11/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Rất mong Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa cần kiểm tra làm rõ vấn đề này.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.