Hiện đại hóa công nghệ giám sát rừng

Tài nguyên - Ngày đăng : 17:45, 03/05/2018

(TN&MT) - Hơn 1 năm qua, Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật bản (JICA) đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ trang bị máy tính bảng...
(TN&MT) - Hơn 1 năm qua, Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật bản (JICA) đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ trang bị máy tính bảng cho lực lượng kiểm lâm thông qua Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững. Thiết bị di động thông minh này được tích hợp phần mềm Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp (FRMS Mobile), cho phép người dùng điều tra, thu thập thông tin hiện trường cung cấp dữ liệu đầu vào cho hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp chung, trên cơ sở dữ liệu nền kiểm kê rừng toàn quốc.
Hiện đại hóa công nghệ giám sát rừng
Kiểm tra diễn biến rừng. Ảnh: MH
Bước đầu thí điểm tại 15 tỉnh trên cả nước, hệ thống theo dõi bằng máy tính bảng đã cho thấy hiệu quả, đơn giản và thực tế với số liệu đầu ra chính xác hơn. Phương pháp này giải quyết hầu hết những hạn chế của các phương pháp cũ như: Giảm thiểu thất thoát và lỗi dữ liệu với phiếu thực địa dạng số có cấu trúc; không cần nhập lại số liệu vào máy tính để bàn do số liệu được chuyển thẳng lên máy chủ; tiết kiệm thời gian và chi phí do không cần dùng bản đồ giấy, máy GPS, phiếu khảo sát dạng giấy...
 
Ông Vũ Xuân Thôn - Trưởng ban Quản lý các Dự án lâm nghiệp cho biết, Điện Biên là tỉnh thí điểm ứng dụng đầu tiên với 138 kiểm lâm được hỗ trợ máy tính bảng. Đến nay, Chi cục kiểm lâm Điện Biên đã cập nhật được 55% dữ liệu diễn biến rừng và đất lâm nghiệp so với diện tích thực. Trong đó, 66% khớp thực tế so với vệ tinh để cập nhật vào hệ thống dữ liệu của Trung ương. Tại tỉnh Sơn La, đánh giá kết quả theo dõi biên độ tăng giảm diện tích rừng và đất lâm nghiệp có độ chính xác trên 90% so với số liệu thực tế, đồng thời, đồng bộ được 60% số liệu đến máy chủ cấp Trung ương. 
 
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình đã thành lập được các tổ công tác chuyên trách bao gồm lãnh đạo Sở, chi cục kiểm lâm địa bàn, các khu bảo tồn… sử dụng máy tính bảng để thu thập số liệu. Các tỉnh: Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Trị… đều đã đào tạo cho phần lớn các kiểm lâm viên và tiến hành thu thập, đồng bộ dữ liệu lâm nghiệp, đất rừng tại các xã, huyện trong vùng dự án. Những nỗ lực này đang góp phần cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng Việt Nam, gồm thông tin của 8,5 triệu lô rừng của hơn 1.100 chủ rừng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Khi có hệ thống này, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin qua mạng internet về sự phát triển rừng của từng địa phương, từ đó, ra quyết định đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp.
 
Ngoài hiệu quả tăng cường năng lực đáng kể cho ngành lâm nghiệp, ông Thôn nhấn mạnh, ứng dụng này cũng hỗ trợ giám sát hiệu quả của những nỗ lực giảm phát thải và hấp thụ các bon từ rừng. Việc phát triển hệ thống giám sát tài nguyên rừng minh bạch là một trong những điều kiện bắt buộc để Việt Nam nhận được tài chính quốc tế dựa trên kết quả giảm phát trong khuôn khổ Sáng kiến REDD+.
 
Quá trình thí điểm phần mềm thu thập dữ liệu, các địa phương cũng nêu lên những hạn chế như: Máy tính bảng vẫn là dụng cụ cồng kềnh, khó bảo quản cẩn thận khi đi thực địa, nhất là với tỉnh có địa hình phức tạp như Lai Châu. Một số xã, huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa có tình trạng mất dữ liệu và khó khăn trong việc nhập dữ liệu, các mẫu báo cáo trong phần mềm chưa khớp với Thông tư 26/2017/TT-BNNPTNT quy định theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, khiến việc báo cáo trở nên thủ công và mất thời gian.
 
Về phía JICA, ông Baku Takahashi - Chuyên gia Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững bày tỏ mong muốn, các chủ rừng và cơ quan chức năng nên chủ động thực hiện và hợp tác hơn nữa trong việc sử dụng máy tính bảng để thu thập thông tin theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Nếu cần thiết, có thể lập cam kết giữa các dự án và các đơn vị tham gia để có cơ sở theo dõi tiến độ triển khai.
 
Phía JICA cũng thông tin, dự kiến, phiên bản phần mềm cập nhật dữ liệu diễn biến rừng và đất lâm nghiệp mới sẽ được đưa ra vào tháng 6/2018. Phiên bản này sẽ khớp với các phiên bản cũ và làm rõ vai trò của các bên để thống nhất hướng dẫn thực hiện khi đưa về địa phương.