Đắk Nông: “Có sự buông lỏng trong quản lý của chủ rừng tạo điều kiện cho các đối tượng phá rừng”

Tài nguyên - Ngày đăng : 19:02, 28/02/2018

(TN&MT) - Đó là chia sẻ của ông Đỗ Ngọc Hiếu – Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông với PV Báo điện tử TN&MT trong vụ phá hơn 15 hecta...

 

(TN&MT) - Đó là chia sẻ của ông Đỗ Ngọc Hiếu – Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông với PV Báo điện tử TN&MT trong vụ phá hơn 15 hecta rừng xảy ra vào dịp giáp tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, tại  khoản 3, tiểu khu 1680 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Công ty).
 

D7705054 CF36 4047 B088 DA372CE3C206
Ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long (Đắk Nông)

Chủ rừng buông lỏng quản lý

Như thông tin mà Báo điện tử TN&MT đã thông tin, hiện trường vụ phá rừng diễn ra cách UBND xã Quảng Sơn khoảng 15km, và cách chốt quản lý và bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng khoảng 1km. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn dễ dàng cưa hạ bằng máy, thậm chí đốt và dùng xe cơ giới để san ủi mặt bằng hết sức tươm tất. Ngoài ra, nằm gần hiện trường còn xuất hiện các lán trái và vườn mươm cây giống nhiều khả năng để sau khi làm đất là trồng cây công nghiệp.
 

DSC 3965
Một trong nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị cưa hạ


Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hiếu – Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long tỏ ra hết sức bức xúc: “Việc phá rừng diễn ra dài ngày, có thiết bị cơ giới và gần với trạm quản lý bảo vệ rừng cho thấy có sự buông lỏng của chủ rừng cho đối tượng vi phạm”. Ngoài ra, ông Hiếu cũng phân tích them: “Nếu mà chốt ở đó chỉ cần cưa một cái là người ta biết liền. Làm gì có chuyện cưa, múc cây, rồi cây đổ đến cỡ đó mà không có động tĩnh gì!?”.
 

DSC 3983
Nhiều cây sau khi cưa hạ được các đối tượng cắt thành nhiều khúc xếp gọn để đốt.


Đơn vị chủ rừng không phối hợp với chính quyền địa phương

Theo ông Hiếu, để một diện tích rừng lớn như vậy bị các đối tượng ngang nhiên tàn phá là điều rất đáng buồn, ở đây trách nhiệm của địa phương củng có một phần. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc phối kết hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn với chính quyền địa phương gần như rất hạn chế. Cụ thể, vụ phá 15 hecta rừng được lực lượng kiểm lâm phát hiện vào ngày 6/2/2018 và thông báo với Công ty. Thế nhưng, phải gần một tuần sau, tức là vào ngày 12/2/2018, UBND xã Quảng Sơn mới nhận được báo cáo của Công ty. Trong khi, trụ sở của đơn vị chủ rừng nằm sát với trụ sở UBND xã Quảng Sơn.

Ngoài ra, ông Hiếu nói thêm: “Lâm trường này không phối hợp gì với chính quyền địa phương. Huyện mời họp các đơn vị chủ rừng, các chủ tịch xã triển khai công tác phòng chống phá rừng trước, trong và sau Tết thì lâm trường này là một trong những đơn vị không đi. Riêng về vấn đề này, tôi cũng đã báo cáo với lãnh đạo huyện là xã mời tổng kết, giao ban họ cũng không đi".
 

DSC 4026
Lán trại nằm sát với hiện trường vụ phá 15 hecta rừng tại tiểu khu 1680


Qua tìm hiểu, tại tiểu khu 1680 có một số diện tích rừng được Công ty giao cho cộng đồng bon N'Ró, xã Quảng Sơn, quản lý. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc phối hợp với cộng đồng người dân tại bon N’Ró để thực hiện việc tuần tra, bảo vệ rừng của Công ty hầu như không được thực hiện. Xác thực thông tin trên, ông Hiếu cho hay: “Cộng đồng bon N'Ró họ có nói là thời gian trước đơn vị chủ rừng còn phối hợp với cộng đồng để tuần tra, nhưng thời gian gần đây thì bỏ luôn”.

Để rộng đường dư luận cũng như mong muốn lãnh đạo phía Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn có thể giải thích rõ hơn vì sao thời gian qua việc phối kết hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng với chính quyền địa phương lại hạn chế như thế?. PV đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Đinh Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn nhưng ông Quý đều không bắt máy. Sau đó, chúng tôi trực tiếp vào cơ quan nhưng phía văn phòng thông báo là ông Quý đi vắng không rõ lý do.

 Theo một lãnh đạo ngành kiểm lâm tỉnh Đắk Nông: “các đơn vị chủ rừng đều phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và liên tục với chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Chủ rừng cũng là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên về công tác quản lý, bảo vệ rừng”.