Công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM

Tài nguyên - Ngày đăng : 16:13, 24/01/2018

Ngày 23/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

 

Ngày 23/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 
 

TPHCM
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trao hồ sơ điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM cho Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến.

 

Đồ án điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 quy hoạch vùng TPHCM gắn với mục tiêu đưa TPHCM trở thành đô thị lớn phát triển năng động và bền vững có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.
 

Theo đồ án, tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang.
 

Dân số vùng đến năm 2030 khoảng 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18-19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6-7 triệu người, lực lượng lao động khoảng 18-19 triệu người.
 

Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt khoảng 270.000- 290.000 ha, bình quân 100-150 m²/người. Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 150.000-170.000 ha, bình quân 180-210m²/người.
 

Quy hoạch xác định phát triển vùng TPHCM theo mô hình tập trung - đa cực, trong đó phát triển TPHCM với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. TPHCM cũng được xác định là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
 

Hệ thống đô thị trong tiểu vùng đô thị trung tâm sẽ được đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên, ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh. Phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa.
 

Cũng theo bản quy hoạch, tiểu vùng phía Đông gồm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và phần còn lại phía Đông của tỉnh Đồng Nai là cửa ngõ giao thương quốc tế của cả vùng và quốc gia thông qua Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép-Thị Vải.
 

Tiểu vùng phía Bắc-Tây Bắc gồm tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh và một phần của tỉnh Bình Dương sẽ phát triển chức năng về thương mại-dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái, duy trì và bảo vệ hệ sinh thái rừng và bảo vệ nguồn nước, bảo đảm phát triển cân bằng sinh thái cho toàn vùng.
 

Tiểu vùng phía Tây Nam gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An sẽ phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cảng, nghiên cứu về công nghệ sinh học cấp quốc gia, nông nghiệp chuyên canh lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 

Tại hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu của Thành phố trong việc kết nối đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng, tạo điều kiện để TPHCM phát huy vai trò hạt nhân, động lực phát triển.
 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, sau khi công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng, các địa phương trong vùng phải công khai quy hoạch cho người dân, đồng thời xây dựng các quy hoạch địa phương phù hợp chung với quy hoạch vùng, đặc biệt là quy hoạch về giao thông, điện nước, rác thải, kiểm soát quy mô dân số, phù hợp với định hướng phát triển của vùng. Cùng với đó, bảo vệ các khu sinh quan, cảnh quan và hành lang xanh...