Sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 2013: Cấp thiết!

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 13/12/2017

(TN&MT) - Sau hơn 3 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã góp phần giải quyết các vướng mắc trong thực...
(TN&MT) - Sau hơn 3 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã góp phần giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn. 
fgj
Bộ TN&MT phối hợp với Bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá và lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Ảnh: Hoàng Minh
 
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Luật Đất đai 2013 đã tạo được hành lang pháp lý cho công tác quản lý và sử dụng đất cũng như tạo điều kiện để triển khai thi hành luật đã được triển khai thực hiện tốt. Nhiều địa phương đã hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền; triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và nhiều nhiệm vụ được trọng tâm được quy định trong luật.
 
Tuy vậy, qua tổng hợp đánh giá thi hành Luật của các tỉnh, thành phố vẫn còn một số hạn chế như: Nguồn lực đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy hiệu quả. Nhiều nơi, dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm tiến độ, lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp; có trường hợp định giá đất để tính thu nghĩa vụ chưa phù hợp, gây thất thoát ngân sách. Cơ chế tạo quỹ đất chưa được quan tâm thực hiện. Khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn, tới hơn 70%.
 
Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, chồng chéo, chưa thống nhất trong quy định của pháp luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu còn một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và một số nội dung phát sinh mới mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh nên khó khăn cho khâu tổ chức thi hành.
 
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hành pháp luật đã có quy định, nhưng một số nơi không tổ chức thực hiện, hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ; công tác thanh, kiểm tra, theo dõi thi hành còn hạn chế.
 
Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và góp phần tạo động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ ngành, địa phương rà soát, đánh giá việc tổ chức thi hành và lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
 
Mục đích của việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững. Đồng thời, tăng nguồn thu từ đất đai phát triển bằng hình thức thu hồi đất sau khi quy hoạch được công bố, tạo quỹ đất sạch cho Nhà nước để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Giảm khiếu kiện về đất đai.
 
Tuy vậy, góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, đất đai vốn là lĩnh vực rất phức tạp, luôn có những biến động. Luật Đất đai năm 2013 đã được thực hiện rất công phu, bài bản và rất kỹ lưỡng, quy định tại các điều, khoản tương đối sáng rõ và đầy đủ. Theo quy luật thời gian, những phát sinh vướng mắc là điều tất yếu. 
 
Sở dĩ những vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc dẫn đến việc khiếu nại tố cáo, dẫn đến việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu tích tụ để tổ chức quy mô sản xuất lớn phần lớn là do chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích của người sử dụng đất; các thông tư, nghị định chưa cụ thể, rõ ràng, còn thực tế các quy định trong Luật Đất đai không có gì vướng mắc. Vì vậy, để điều chỉnh những bất cập, nên thể hiện bằng Thông tư, Nghị định, nếu có sửa chỉ sửa một phần những vướng mắc thực sự làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, kiềm chế sự phát triển của đất nước.
 
Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia về đất đai cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 toàn diện hay một phần phải có cân nhắc kỹ lưỡng. Trước hết, cần có tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của Luật. Bên cạnh đó, phải thực hiện rà soát xem tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật giữa Luật Đất đai và các luật khác “vênh nhau” ở đâu, từ đó có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi theo hướng nào cho phù hợp. 
 
Tuyết Nhi