Vụ cảng Kê Gà: Hơn 1.000 trang chứng từ, hoá đơn vẫn "không đủ cơ sở" để bồi thường?

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 12/12/2017

(TN&MT) - Đến nay, công tác bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN) du lịch  phải huỷ bỏ dự án vì vướng quy hoạch cảng Kê Gà, tỉnh Bình Thuận vẫn...

 

 

 

(TN&MT) - Đến nay, công tác bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN) du lịch  phải huỷ bỏ dự án vì vướng quy hoạch cảng Kê Gà, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa thể kết thúc. Một chủ DN đã phải kêu trời, vì thủ tục bồi thường quá nhiêu khê... khi mà họ đã tập hợp và cung cấp cho các cơ quan chức năng hơn 1.000 trang chứng từ, hoá đơn, hợp đồng…nhưng vẫn bị từ chối vì “không đủ cơ sở” để bồi thường?

Khu du lịch Vạn Trụ
Khu du lịch của Cty Vạn Trụ sau 10 năm dang dở

Đã thiệt hại nặng còn bị làm khó?

Năm 2004, hưởng ứng kêu gọi đầu tư du lịch của UBND tỉnh Bình Thuận, Cty TNHH Vạn Trụ (tiền thân là Cty TNHH Đức Hạnh) đầu tư xây dựng khu du lịch tại khu vực thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Bất ngờ, năm 2007, chính quyền tỉnh Bình Thuận yêu cầu DN... dừng xây dựng khu du lịch, tiến hành trả lại mặt bằng để phục vụ quy hoạch dự án cảng Kê Gà (do Tập đoàn TKV làm chủ đầu tư).

Đổ cả núi tiền xây dựng khu du lịch, chưa kịp hoàn vốn, buộc phải ngưng dự án...; ông Vũ Chí Công - chủ Cty Vạn Trụ - quá đau xót. Song, suốt thời gian dài, ông Công vừa đâm đơn khiếu nại, vừa cố cầm cự để duy trì sự sống cho khu du lịch theo kiểu “thoi thóp”... Gần 10 năm trôi qua, các công trình trong khu du lịch của Cty Vạn Trụ đã xuống cấp thảm hại...

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng quy hoạch cảng Kê Gà; đồng thời, yêu cầu Tập đoàn TKV xem xét bồi thường cho 12 DN du lịch bị ảnh hưởng bởi dự án cảng Kê Gà.  Vui mừng trước quyết định này, ông Công quyết tâm hồi sinh khu du lịch Vạn Trụ. Ông Công vay thêm 9 tỉ đồng để cải tạo lại các công trình đã bị xuống cấp trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, ông Công gửi đơn tới UBND tỉnh Bình Thuận và TKV, xin được bồi thường và hỗ trợ, với tổng giá trị 25,1 tỉ đồng. Thế nhưng, suốt nhiều tháng qua, Cty Vạn Trụ vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục bồi thường...

Theo ông Vũ Chí Công cho biết: “Họ yêu cầu tôi nộp “hợp đồng thi công xây dựng” từ năm 2007 đến năm 2011 (theo từng thời điểm). Nộp “bản vẽ thiết kế xây dựng”, rồi “dự toán” các hạng mục công trình cùng hồ sơ “hoàn công”... Công ty tôi đã nộp tất cả những gì DN có gồm: Các “hợp đồng thi công xây dựng” từ năm 2004 đến năm 2011 (thời điểm bị thu hồi dự án để làm cảng Kê Gà); toàn bộ hoá đơn, chứng từ mua vật liệu xây dựng phục vụ cho việc xây dựng khu du lịch; các “giấy phép xây dựng”, “bản vẽ thiết kế xây dựng”... Tổng cộng các tài liệu, chứng từ, ước tới hơn... 1.000 trang giấy A4. Vậy mà Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận vẫn cho rằng: “Chưa đáp ứng được đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu”.

Dự án du lịch Công ty Vạn Trụ có nguy cơ bị phá sản vì không được bồi thường
Dự án du lịch Công ty Vạn Trụ có nguy cơ bị phá sản vì không được bồi thường

Có dấu hiệu khuất tất khi lập “biên bản làm việc”?

Tại Biên bản làm việc lập ngày 19.10.2017, Hội đồng bồi thường (gồm đại diện chính quyền, các sở, ngành tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn TKV) đã cho rằng: Sở Tài chính yêu cầu Cty Vạn Trụ “xác định mức thiệt hại từng thời điểm”, nhưng Cty “chưa đáp ứng”. Hội đồng cũng cho biết qua kiểm tra thực tế, “6 hạng mục công trình còn tương đối tốt, Cty đang sử dụng”... Từ đó, tại cuối biên bản, ông Nguyễn Việt Hùng - thành viên Hội đồng bồi thường, đã ký tên và ghi chú “không đủ cơ sở đề xuất mức độ thiệt hại”.

Trước các ý kiến tại biên bản trên, ông Công đã có đơn khiếu nại đề nghị huỷ bỏ Biên bản làm việc lập ngày 19.10.2017. Theo phản ánh của ông Công: “Kết luận “công trình tương đối tốt” là không thấu đáo. Để có công trình có diện mạo như hiện nay, năm 2016, DN phải vay ngân hàng 9 tỉ đồng sửa chữa... Việc ông Nguyễn Việt Hùng tự tiện ghi “không đủ cơ sở để xác định mức độ thiệt hại” vào biên bản; trong khi nội dung này không thể hiện trong cuộc họp là không đúng thực tế. Tôi phản đối và yêu cầu huỷ bỏ biên bản này”. Hơn thế, tại cuộc họp ngày 6.11.2017, đại diện Cty Vạn Trụ tiếp tục phản đối, khi “Biên bản làm việc” đưa tên ông Ngô Kiến Toàn - Phó GĐ Sở Tài chính, như một thành viên tham gia cuộc họp. Nhưng trên thực tế, ông Toàn không tham dự cuộc họp...

Chưa hết, sau khi lập biên bản, bà Nguyễn Thị Hồng Gấm - đại diện Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận đã mang biên bản ra khỏi phòng họp để chỉnh sửa. “Tuy nhiên sau đó, nội dung biên bản đã cắt bỏ ý kiến của Cty Vạn Trụ rất nhiều; trong khi, lại đưa thêm 1-1,5 trang nội dung khác vào biên bản... Vì vậy, tôi đã không ký vào biên bản, mà yêu cầu huỷ bỏ biên bản đó. DN đã quá thiệt hại, vì sai lầm trong quy hoạch cảng Kê Gà. Nay, ngỡ vớt vát chút ít vốn liếng để tiếp tục hồi sinh dự án sau nhiều năm bỏ hoang. Thế nhưng, trước các đòi hỏi gắt gao về thủ tục bồi thường, cùng các vướng mắc trên, tôi lo ngại rằng DN của tôi có nguy cơ bị phá sản” - ông Vũ Chí Công bức xúc nói.

 

Ngày 28.11.2017, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn số 5835/VP-BTCD, gửi Sở Tài chính. Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã nhận được đơn của Cty Vạn Trụ, yêu cầu huỷ biên bản làm việc ngày 15.11.2017. Biên bản làm việc trên liên quan đến việc bồi thường thiệt hại của Cty Vạn Trụ, do dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà. Văn bản 5835 thể hiện nghi vấn từ DN cho rằng: “Nội dung biên bản được lập ngoài phòng họp, cắt bỏ ý kiến DN, thêm nội dung không có vào biên bản”... Từ đó, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Tài chính “xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định pháp luật”.

 

 

Bài & ảnh: Đông Hưng