Sơn La: Chưa xác định được thời gian cấp lại nước ổn định cho người dân

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/11/2017

(TN&MT) – Liên quan đến sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La từ ngày 4/11 tới nay, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân, tỉnh Sơn La đã tiến hành điều tiết nguồn nước để cấp nước luân phiên cho các khu vực; xây dựng các điểm cấp nước công cộng trên các trục đường chính.
Quang cảnh buổi họp
Quang cảnh buổi họp

Chiều ngày 9/11, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã chủ trì buổi họp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình ô nhiễm nguồn nước sạch trên địa bàn thành phố Sơn La thời gian qua.

Hơn 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng

Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: Từ năm 2012 tới nay, thời điểm thu hoạch, chế biến cà phê từ tháng 10-12, dẫn đến nguồn nước cấp cho nhà máy nước thành phố Sơn La thường bị ô nhiễm, phải ngừng cấp nước, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân. Đặc biệt, từ năm 2015 trở về đây, mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Năm 2015, có 20 lần Nhà máy nước ngừng sản xuất với tổng số 151 giờ ngừng cấp nước; năm 2016 là 12 lần ngừng sản xuất với tổng số 86 giờ ngừng cấp nước; năm 2017 là 17 lần ngừng sản xuất với tổng số 124 giờ ngừng cấp nước.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra ao chứa nước thải từ sơ chế cà phê của Cơ sở chế biến nông sản Đỗ Thị Thủy, bản Nà Hôm, xã Chiềng Cọ (Thành phố)
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra ao chứa nước thải từ sơ chế cà phê của Cơ sở chế biến nông sản Đỗ Thị Thủy, bản Nà Hôm, xã Chiềng Cọ (Thành phố)

Trong đó, năm 2017, ô nhiễm nghiêm trọng bắt đầu từ ngày 27/10, đặc biệt từ ngày 4/11 tới nay, Nhà máy nước phải ngừng sản xuất hoàn toàn, tới nay chưa cấp lại được. Việc ngừng sản xuất đã gây ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 20.000 hộ dân, trong đó, có 12.000 hộ bị mất nước trực tiếp, khoảng 8.000 hộ bị ảnh hưởng do điều chuyển nguồn cấp nước luân phiên từ ngày 7/11 tới nay.

Cơ sở chế biến nông sản Đỗ Thị Thủy, bản Nà Hôm, xã Chiềng Cọ (Thành phố) chế biến cà phê và xả thẳng nước thải xuống ao xây ngay cạnh suối
Cơ sở chế biến nông sản Đỗ Thị Thủy, bản Nà Hôm, xã Chiềng Cọ (Thành phố) chế biến cà phê và xả thẳng nước thải xuống ao xây ngay cạnh suối

Nguyên nhân của tình trạng này vẫn do ô nhiễm nguồn nước từ sơ chế cà phê tại các xã đầu nguồn: Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng An – Thành phố Sơn La và xã Muổi Nọi, Bon Phặng – huyện Thuận Châu. Trên khu vực này, có 6 cơ sở chế biến cà phê tập trung của các hộ chế biến. 6 cơ sở này không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, không xử lý nước thải, hệ thống lưu trữ nước thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nước thải ngấm trực tiếp xuống đất. Ngoài ra, còn khoảng 9 cơ sở nhỏ lẻ khác.

Về chất lượng nước đầu vào, tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh, Nhà máy nước lấy mẫu nước 2 lần/ngày, báo cáo chất lượng nước hàng ngày. Tuy nhiên, đến nay, chất lượng nước, các chỉ tiêu vi sinh như coliform, ecoli còn rất cao; nước còn mùi rất khó chịu. Do đó, vẫn chưa đảm bảo để cấp nước trở lại.

Ao đất lót bạt chứa nước thải sơ chế cà phê của Cơ sở chế biến nông sản Vương Bá Trung, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) không đảm bảo đang sủi bọt do bị thẩm thấu nước xuống lòng đất
Ao đất lót bạt chứa nước thải sơ chế cà phê của Cơ sở chế biến nông sản Vương Bá Trung, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) không đảm bảo đang sủi bọt do bị thẩm thấu nước xuống lòng đất

Xây dựng nhiều điểm cấp nước miễn phí cho người dân

Trước mắt, để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, Công ty CP cấp nước Sơn La đã chủ động thực hiện điều chuyển nguồn cấp nước phục vụ nhu cầu thiết yếu của các bệnh viện, trường học và nhân dân. Tuy nhiên, nguồn nước của Nhà máy nước Chiềng An chưa được cải thiện, không đủ điều kiện sản xuất; sản lượng của Công ty cấp nước Sơn La hiện chỉ còn đủ để đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Do đó, tỉnh Sơn La đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Công ty CP cấp nước Sơn La xây dựng phương án điều tiết nguồn nước từ một số nguồn chưa bị ô nhiễm. Song, do lượng nước có hạn, tuyến ống truyền tải ngược tuyến nên chỉ tới được khách hàng ở khu vực thấp.

Một điểm cấp nước tạm cho người dân
Một điểm cấp nước tạm cho người dân

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Công ty CP cấp nước xây dựng các điểm lấy nước công cộng, để những nơi không có khả năng cấp tới được có địa điểm lấy nước. Hiện đã xây dựng được 4 điểm cấp nước công cộng trên 2 trục đường chính Tô Hiệu và Chu Văn Thịnh, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, tránh tình trạng vừa qua có nhiều đơn vị cung cấp nước cho người dân nhưng không rõ nguồn cấp nước. Công ty CP Cấp nước Sơn La sẽ xây dựng thêm các điểm cấp nước miễn phí khác tại các điểm nước khó lên.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Sơn La đang tiếp tục giao Đoàn kiểm tra do Sở TN&MT chủ trì, tiếp tục triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến cà phê khu vực đầu nguồn nước thành phố Sơn La. Phối hợp với Công ty CP cấp nước Sơn La xác định các vị trí giếng khoan, hang caster gần các cơ sở chế biến cà phê (có nguy cơ được sử dụng làm vị trí xả thải). Tiến hành các biện pháp ngăn lấp các giếng khoan, các cửa hang caster hoặc lắp biển cấm để ngăn ngừa hành vi đổ nước thải cà phê trực tiếp vào nguồn nước ngầm.

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc ngành tiến hành các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn hoạt động chế biến cà phê trên địa bàn các xã không tuân theo yêu cầu tạm đình chỉ sản xuất của Đoàn kiểm tra.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công ty CP cấp nước Sơn La tiếp tục xây dựng lịch cấp nước luân phiên cho các khu vực trên địa bàn, đảm bảo nhu cầu tối thiểu của các hộ dân, trường học, bệnh viện. Đảm bảo mỗi khu vực được cấp nước ít nhất 1 ngày/1 lần cho đến khi Nhà máy nước Chiềng An hoạt động trở lại. Chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn, đôn đốc, thẩm định, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xây dựng hồ chứa nước thô – Nhà máy nước Chiềng An.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thuận Châu, UBND thành phố Sơn La tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định đình chỉ sản xuất của các cơ sở chế biến cà phê tập trung trên địa bàn các xã, phường để khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước, hoàn thành trước 15 giờ ngày 10/11/2017. Đồng thời, hướng dẫn UBND huyện Thuận Châu, UBND thành phố Sơn La tăng cường quản lý sản xuất của các cơ sở chế biến cà phê quy mô hộ gia đình trên địa bàn các xã phường theo quy định pháp luật.

Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh phối hợp với Công ty CP cấp nước Sơn La định kỳ xét nghiệm mẫu nước đầu vào của Nhà máy nước phường Chiềng An. Báo cáo trực tiếp với Thường trực UBND tỉnh về diễn biến, chất lượng nước trước 17 giờ hàng ngày. Phối hợp đề xuất cho Nhà máy nước vận hành trở lại khi chất lượng nước đầu vào đủ kiều kiện sản xuất trở lại.

Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị nghiên cứu phương án phối hợp với đoàn kiểm tra, giám sát thu gom vỏ cà phê tồn đọng tại các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn các xã, phường đầu nguồn nước thành phố Sơn La.

Nguyễn Nga