Tháo gỡ khó khăn trong khôi phục rừng vùng Tây Nguyên
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/11/2017
Về kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2021 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các biện pháp nhằm tăng cường quản lý rừng tự nhiên; Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2015, toàn vùng Tây nguyên phát hiện xử lý 6.034 vụ vi phạm lâm luật với tổng diện tích rừng bị phá trái phép là 550,8ha. Năm 2016, tổng số vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện và xử lý là 3.875 vụ, trên tổng diện tích rừng bị xâm hại là 329,63 ha. Thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng Tây nguyên những năm gần đây có phần chặc chẻ hơn, tình trạng vi phạm lâm luật có xu hướng giảm về số vụ cũng như về diện tích rừng bị tàn phá. Tuy nhiên, xét về tổng thể, rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị “chảy máu”.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan và các địa phương có liên quan tăng cường tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện chủ trương quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị của Ban Bí thư; tiếp tục kiểm kê, đánh giá thực trạng các loại rừng, nhất là ở khu vực Tây Nguyên; rà soát quy hoạch bảo vệ, khai thác, phát triển rừng; tổng rà soát các dự án đã, đang triển khai và các dự án dự kiến sử dụng đất rừng, nhất là sử dụng rừng tự nhiên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, kiểm tra, đánh giá cụ thể các tác động nhiều mặt của các dự án, trong đó ngoài vấn đề hiệu quả của dự án còn có vấn đề xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý một cách đồng bộ, tổng thể, trong đó có các dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà các đại biểu quan tâm.
Quan điểm của Chính phủ là phải triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư, đồng thời bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Cụ thể hóa sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng kế hoạch hành động xác thực, đạt hiệu quả bước đầu. Đối với tỉnh Đắk Lắk, mới đây, ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xây dựng chương trình hành động, trong đó xác định: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đề ra mục tiêu, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 39,2% năm 2015 lên 40,2% năm 2020 và phấn đấu đạt 42,1% trong năm 2025.
Đối với tỉnh Gia Lai, trước đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 5113/KH-UBND, ngày 04/11/2016, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Gia Lai đưa ra quyết tâm quản lý tốt 623.280ha rừng tự nhiên hiện có. Trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tổ chức khoanh nuôi tái sinh 1.300ha; đồng thời giao khoán quản lý 127.984ha; cải tạo 1.121ha rừng nghèo kiệt và làm giàu rừng khoảng 1.316ha.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, khó khăn chung trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh ở Tây Nguyên đó là đội ngủ con người bảo vệ rừng vẫn còn mỏng, kinh phí bảo đảm công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng quá hạn hẹp, trong khi đó trang thiết bị, phương tiện phòng, chống cháy rừng của các chủ rừng lâu nay vẫn còn thiếu thốn. Theo một số chủ rừng chia sẻ, để thực hiện tốt công tác bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng được bền vững thì bên cạnh các biện pháp tăng cường thực thi pháp luật về bảo về rừng hiện có, cần có cơ chế chính sách rõ ràng cho người dân, người chủ rừng có thể sống và làm giàu từ nghề rừng.
Được biết, Mục tiêu trong Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 đã đề ra: Bảo vệ, duy trì 2.253.804ha rừng tự nhiên; trồng mới 58.350ha; khoan nuôi tái sinh 73.345ha; xử lý dứt điểm 282.896ha rừng đang bị tranh chấp, lấm chiếm; mỗi năm giảm từ 15-20% số vụ vi phạm lâm luật và giảm 50% diện tích rừng bị phá. Đến năm 2020, cơ bản không còn xảy ra phá rừng; trồng mới 28 triệu cây phân tán. Phấn đấu đến năm 2020, toàn vùng Tây Nguyên đạt được 2,71 triệu ha rừng, độ che phủ đạt 59%. Tổng kinh phí thực hiện Đề án lên đến 8.927 tỷ đồng.
Tại Hội nghị trực tuyến về “tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới” vừa qua. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục không khai thác gỗ rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ các dự án có sử dụng diện tích đất rừng. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại các dự án có liên quan đến chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn quốc, đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một cách tổng thể.
Nhìn lại Đề án đề ra đến năm 2020 đạt được độ che phủ 59%, độ che phủ rừng có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức đa dạng sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao nhưng tỷ lệ bảo tồn còn rất thấp. Chính vì thế, vấn đề bảo vệ, duy trì phần diện tích 2.253.804ha rừng tự nhiên hiện có nhằm gìn giữ được độ che phủ với mức đa dạng sinh học dồi dào mới là bài toán khó trong Đề án.
Bài & ảnh: Võ Hà