Thanh Hóa: Ai tiếp tay cho "lâm tặc" phá rừng ở Xuân Chinh?
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/11/2017
Tình trạng phá rừng ở Xuân Chinh vẫn chưa bao giờ thôi nóng!
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi tiến vào cánh rừng tự nhiên tại thôn Tú Tạo, Cụt Ạc. Người dẫn đường chỉ dẫn chúng tôi đến cửa rừng rồi quay về vì sợ lâm tặc trả thù. Theo hướng chỉ tay của người dẫn đường, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu rừng tự nhiên tại thôn Tú Tạo. Càng đi sâu vào bên trong, gỗ bị đốn hạ nằm la liệt, những gốc cây nằm trơ trọi vẫn còn chảy nhựa. Các cây bị chặt đa phần có đường kính 70-90cm, chiều dài trên 20 mét. Vào sâu vùng lõi, những cây gỗ quý có tuổi đời cao đã bị chặt hạ nằm trơ gốc, gỗ đã được lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng bằng đường trâu kéo. Nhiều rãnh sâu được lâm tặc tạo nên để dùng vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Nhiều cây gỗ lớn mới vừa bị lâm tặc đốn hạ tại Thôn Tú Tạo. |
Thấy có người lạ xuất hiện, nhóm lâm tặc vác cưa máy rút đi nơi khác. Theo quan sát, “đại công trường” này đã được lâm tặc dựng lên từ sau trận mưa lũ diễn ra từ 10/10. Tại đây, có khoảng hơn 20 gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ, gỗ đa phần đã được chuyển đi, chỉ còn lại số ít đang nằm tại chỗ.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển sang cánh rừng thôn Cụt Ạc – nơi tình trạng phá rừng cũng nóng không kém Tú Tạo. Qua cây cầu cứng ngay đầu thôn, ghé vào quán nước nghỉ ngơi, uống cốc nước lấy lại sức, khi được hỏi về việc khai thác vận chuyển gỗ trên địa bàn, người bán nước cho biết: Gỗ chủ yếu được khai thác từ những cánh rừng dọc suối Ván, giáp ranh với xã Thanh Quân (Như Xuân). Hàng tuần có từ 2-3 lượt xe tải vào chở gỗ đi tiêu thụ, gỗ được khai thác chủ yếu là có giá trị kinh tế cao. Trung bình một tháng cũng tầm vài chục chuyến xe vận chuyển gỗ đi. Khai thác và vận chuyển gỗ là do một người tên Tùng ở dưới đập Bái Thượng điều hành.
Gỗ được lâm tặc giấu tại một khe suối ở thôn Cụt Ạc chờ vận chuyển ra ngoài. |
Đi dọc theo suối Ván, nhiều chỗ sâu được lâm tặc giấu gỗ phía dưới để chờ thời cơ vận chuyển ra ngoài. Bên bờ suối còn có nhiều cây còn nguyên cả thân vừa được lâm tặc khai thác xong và chưa kịp vận chuyển đi.
Mặc dù Thủ tướng vừa ban lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, thế nhưng tại Xuân Chinh, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra tràn lan, ồ ạt. Tình trạng phá rừng đã xảy ra nhiều lần trên địa bàn xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân. Chính việc phá rừng ồ ạt, mất độ che phủ tự nhiên đã khiến cho tình trạng lũ lụt ngày càng phức tạp, nguy hiểm. Điển hình như trận lũ lụt lịch sử vừa qua, gây thiệt hại nặng nề cả người lẫn của.
Vai trò quản lý của ngành chức năng ở đâu?
Trao đổi với PV về tình trạng phá rừng tại Xuân Chinh, ông Phạm Xuân Chinh – Hạt phó hạt kiểm lâm Thường Xuân (phụ trách địa bàn) cho hay: Khu vực rừng thôn Cụt Ạc giáp ranh với xã Thanh Quân nên một số người ở huyện Như Xuân thường lén lút sang khai thác. Trước tình trạng đó, chúng tôi đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát. Đây là rừng tái sinh tự nhiên. Trong báo cáo, tháng 10 vừa qua không phát hiện vụ phá rừng nào tại xã Xuân Chinh. Còn tại thôn Tú Tạo, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại xem địa phương có cho khai thác rừng sản xuất hay không?
Nhiều cây gỗ lớn mới vừa bị lâm tặc đốn hạ tại Thôn Tú Tạo. |
Ông Cầm Bá Quân – Phó chủ tịch xã Xuân Chinh cho hay: Do địa bàn quá rộng, lực lượng lại mỏng, trong khi đó dân nghèo quá nên vào rừng khai thác gỗ đưa về làm nhà, sửa nhà là điều không tránh khỏi. Còn việc lâm tặc ngang nhiên dùng ô tô vận chuyển gỗ qua địa bàn xã là không thể có, vì chúng tôi kiểm soát rất chặt. Cũng có thể người dân cắt xẻ gỗ với kích thước dài 1,2 mét, đường kính 50 centimet rồi chờ đêm đến mới vận chuyển. Thế nhưng, sau đó ông Quân lại thừa nhận có tình trạng khai thác, chặt hạ rừng trên địa bàn, tại thôn Cụt Ạc thì chỉ khai thác khu vực giáp ranh với xã Thanh Quân. Gỗ rừng bị khai thác chỉ yếu là gỗ giàng giàng.
Gỗ được lâm tặc kéo về suối Ván thôn Cụt Ạc. |
Được biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân xảy ra 150 vụ phá rừng, chủ yếu xảy ra ở các xã trọng điểm như: Yên Nhân, Bát Mọt, Xuân Chinh, Xuân Lẹ. Xử phạt hành chính, nộp ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng. Tịch thu 190 m3 lâm sản các loại.
Tình trạng phá rừng ở Xuân Chinh vẫn chưa bao giờ thôi nóng. Người dân nơi đây ngoài nghi năng lực quản lý, vai trò của ngành chức năng khi liên tục để nạn phá rừng tái diễn!
Thanh Tâm