TPHCM: Ngăn chặn việc khai thác nước ngầm quá mức

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/11/2017

(TN&MT) - Trong năm 2017, TPHCM nỗ lực để cung cấp nước sạch cho toàn bộ người dân thành phố (TP). Song với thói quen dùng nước giếng lâu ngày, cộng với việc khai thác nước ngầm vô tội vạ của người dân, đã khiến ngành chức năng TP gặp vô vàn thách thức.

Nhiều hệ lụy khi dùng nước bẩn

Theo thống kê, hiện trên địa bàn TPHCM có 94% số hộ gia đình đã được cấp nước thủy cục phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Ở một số khu vực vùng ven TP chưa có mạng lưới nước máy, để có nước sạch phục vụ sinh hoạt, người dân phải sử dụng nguồn nước cấp qua đồng hồ tổng, bồn chứa nước, trạm cấp nước, thiết bị lọc nước hộ gia đình.

Về cơ bản, các quận ở TP người dân đều được sử dụng nước sạch, riêng tại huyện Cần Giờ và một phần huyện Nhà Bè, bà con phải sử dụng nước vận chuyển qua các ghe, xà lan từ nguồn nước lấy từ các họng bơm của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn. Tính đến cuối tháng 10-2017, toàn TP còn gần 150.000 hộ (chiếm tỷ lệ 6%) chưa tiếp cận được nguồn nước sạch, người dân phải sử dụng nguồn nước tự khai thác để sử dụng, nguồn này là nước giếng khoan, giếng đào và nước mưa.

Đoàn viên thanh niên Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn trám lấp giếng khoan tại nhà dân
Đoàn viên thanh niên Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn trám lấp giếng khoan tại nhà dân

Điều đáng nói là ở một số quận, huyện ngoại thành, tuy nhiều nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, đường ống truyền dẫn đến tận nhà nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan để sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt... hàng ngày. Tại một số quận như: quận 9, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú…, có một số đơn vị, cá nhân cũng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan để kinh doanh dịch vụ rửa xe.

Trong quá trình tìm hiểu việc sử dụng nước sạch của người dân TP, chúng tôi ghi nhận có vô vàn lý do. Chị Lê Thị Thanh Xuân, người dân phường Thạnh Xuân, quận 12 cho hay: “Nhà mình trước giờ sử dụng nước giếng cũng quen, thấy không có vấn đề gì. Với lại xài nước giếng đỡ tốn tiền hơn, do chỉ cần khoan giếng vài triệu đồng và đặt hệ thống bơm thì có thể xài thoải mái”. Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online có khảo sát một số tuyến đường trên địa bàn quận 12 (nơi công bố đã cung cấp nước sạch cho 100% người dân). Kết quả cho thấy vẫn còn không ít trường hợp người dân sử dụng nước giếng trong sinh hoạt. Một trong các trường hợp cho biết do trước đây chưa được cấp nước sạch nên phải xài nước giếng; khi có nước sạch rồi, nếu bỏ nước giếng thì tiếc nên vẫn sử dụng hai nguồn nước song song.

Theo kết quả giám sát chất lượng nước ngầm (nguồn nước giếng tự khai thác) tại các hộ dân của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hầu hết các nguồn nước giếng đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt (Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế) ở các chỉ tiêu pH, sắt và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu amoniac.

Cùng có nhận định này, Phòng Quản lý Tài nguyên nước và khoáng sản (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) cho biết chất lượng nguồn nước ngầm hiện nay đang có nhiều vấn đề, khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng thấm rỉ vào lòng đất. Việc khai thác không hợp lý có thể dẫn đến những suy giảm nguồn dự trữ nước ngầm chiến lược. Chất lượng nguồn nước ngầm thay đổi theo hướng xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Một nguy cơ lớn nhất được Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ ra, đó là trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm có đường kính và độ sâu khác nhau, phân bố không đều trên các khu vực. Tầng chứa nước tốt (pleistocen) tập trung gần 79.000 giếng khoan, trong khi tầng chứa nước trung bình (pliocen) có hơn 17.000 giếng. Tổng lượng nước ngầm đang được khai thác trên 680.000m3/ngày/đêm.

Và với mức độ khai thác nhiều nhưng thiếu quy hoạch như hiện nay, tương lai không xa, TPHCM sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng. Do sự khai thác theo kiểu “tận thu” như thế này, đến năm 2020, nhiều khu vực tại TP sẽ tiếp tục lún thêm 12 - 20cm. Lúc đó, hệ thống thoát nước của TP bị tê liệt, đê bao chống ngập (do triều cường) không phát huy tác dụng.

Phải có chế tài đủ mạnh            

Theo cảnh báo của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hàm lượng amoni trong nước giếng cao có khả năng do nước bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ như nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi… Amoni trong nước giếng khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành nitrat và nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo nên tình trạng thiếu oxy trong máu; amoni kết hợp với các axit amin trong cơ thể hình thành chất nitrosamine có nguy cơ gây ung thư... Còn độ pH thấp và hàm lượng sắt quá cao không chỉ mau làm hư mòn các vật dụng, biến chất mùi vị thức ăn, mà còn gây ra các bệnh về răng miệng, đường tiêu hóa, ngoài da…

Trong khi đó, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn lại chỉ rõ: Ngoài những nguy cơ lún sụt, ô nhiễm các tầng nước khi khai thác quá mức nguồn nước ngầm, một nguy cơ khác là nguồn nước ngầm nhiễm mặn. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng diễn ra gay gắt. Khi chúng ta hút nước ngầm lên, nguồn nước mặn có thể xâm nhập tầng nước ngầm. Đây là nguy cơ rất đáng lo ngại.

Cán bộ Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn ký kết với các hộ gia đình hạn chế sử dụng nước ngầm
Cán bộ Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn ký kết với các hộ gia đình hạn chế sử dụng nước ngầm

Trong việc tuyên truyền hạn chế sử dụng nước giếng, lãnh đạo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cho biết đã phối hợp với các quận, huyện tiến hành cấp định mức nước cho người ở trọ, thông qua đó khuyến khích các hộ dân sử dụng nước máy thay nước giếng; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP kiểm tra, giám sát chất lượng nước giếng để cảnh báo mức độ ô nhiễm cho người dân. Song song đó, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn hàng năm có chuyển giao danh sách những khu vực đã được cung cấp nước sạch với áp lực nước ổn định cho Sở Tài nguyên và Môi trường, làm cơ sở đề xuất ban hành khu vực cấm và hạn chế khai thác nước ngầm theo quy định.

Tại cuộc họp của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến với Sở Tài nguyên và Môi trường, để nghe kế hoạch giảm khai thác nước ngầm, trám lấp giếng khoan vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho biết trong tổng lượng nước ngầm khai thác hiện nay hơn 680.000m3/ngày, thì phần lớn khai thác trong hộ dân hơn 356.000m3/ngày, công nghiệp 172.500m3/ngày. Mục tiêu đến năm 2025, cơ quan quản lý Nhà nước chủ động giảm lượng khai thác nước ngầm tại TPHCM xuống còn 100.000m3/ngày.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, điều khó khăn là Luật tài nguyên nước quy định trường hợp khoan giếng ngầm dưới 10m3/ngày thì không cần phải xin phép mà chỉ đăng ký. Vì vậy thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo 8 lần sửa đổi thay thế quyết định 69 /QĐ-UBND, ban hành ngày 3-5-2007 của UBND TPHCM (về ban hành quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất) nhưng vẫn không thể đưa nội dung “cấm khai thác nước ngầm” vào được.

Không chỉ thế, hiện nay ngành chức năng rất khó quản lý, kiểm soát tình trạng khai thác nước ngầm trái phép, bởi các đối tượng có nhiều thủ đoạn để che đậy hành vi vi phạm của mình trước cơ quan chức năng. Việc khai thác nước ngầm quá mức, tràn lan hiện nay đã và đang gây ra những hệ lụy cho môi trường như nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt; tình trạng sụt lún đất, xâm nhập mặn... Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm tại TPHCM, thì đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong triển khai thực hiện các giải pháp. Theo đó, cần phải có chế tài mạnh mẽ trong xử phạt đối với khai thác nguồn nước ngầm trái phép hoặc áp mức thuế cao đối với việc khai thác nước ngầm cho mục đích công nghiệp, sản xuất, kinh doanh tại các khu vực đã có nguồn nước cấp đầy đủ.

Sở Tài nguyên và Môi trường không cấp phép khai thác, gia hạn hoặc đăng ký khai thác nước dưới đất cho các công trình tại một số khu vực cần phải hạn chế khai thác, ngoại trừ các công trình dự phòng phục vụ cho phòng cháy chữa cháy và công trình dự phòng cấp nước vì mục đích, kế hoạch cấp nước an toàn cho TP. Các cơ quan chức năng cần tích cực phát động chương trình tuyên truyền vận động, khuyết khích người dân sử dụng nguồn nước máy trong sinh hoạt để đảm bảo cho sức khỏe, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của TP.

                                                                  

“Hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức đã quá rõ. Việc sử dụng nước ngầm tầng nông nhiễm hóa chất, nước thải ảnh hưởng đến sức khỏe; chưa kể những nơi khác gây ra tình trạng lún sụt gây ra tai nạn, ngập nước và nhiều hệ lụy khác. Trong bối cảnh TPHCM cơ bản cung cấp nước sạch đủ cho người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng khu vực, đối tượng cấm khai thác nước ngầm để xin trung ương cho phép thực hiện” – Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

 

 Bài & ảnh: Thục Vy