Quảng Ngãi: Chuyển đổi đất rừng nhằm giữ an toàn cho công trình trọng điểm
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/11/2017
Hiện nay, phần diện tích hơn 27 ha rừng sản xuất núi Nam Châm của người dân tại xã Bình Thuận đang nằm gọn trong hành lang an toàn khu vực bể chứa sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tình trạng các hộ dân sản xuất và đốt thực bì sau khi khai thác rừng sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy lan, gây mất an toàn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia.
Trước thực trạng trên, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, vào tháng 9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã ký Quyết định phê duyệt Dự án Bồi thường, chuyển đổi rừng sản xuất tại khu vực núi Nam Châm sang rừng phòng hộ với tổng diện tích 27,6 ha. Với tổng kinh phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án trên 20 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ 70% (14,1 tỷ đồng), còn lại 30 % từ nguồn ngân sách tỉnh.
Việc các hộ dân sản xuất và đốt thực bì sau khi khai thác rừng sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy lan, gây mất an toàn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia |
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, hiện đơn vị đã hoàn chỉnh phương án bồi thường trình UBND huyện Bình Sơn thẩm định và phê duyệt. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đang thẩm định và tham mưu UBND huyện Bình Sơn phê duyệt phương án bồi thường; đồng thời tiến hành kiểm tra và tham mưu ban hành quyết định thu hồi đất. Dự kiến đầu tháng 11/2017 sẽ niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao quyết định thu hồi đất chi tiết cho các hộ dân vùng dự án.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, trong tổng diện tích 27,6 ha của Dự án, hiện có 8,3 ha thuộc 36 thửa đất do 30 hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp quản lý, sử dụng gặp vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, cần có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Cụ thể, diện tích nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ: 16 thửa đất với diện tích 2,6 ha do 12 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. Nguồn gốc đất được UBND xã Bình Thuận xác nhận các hộ khai hoang và sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ trước năm 1980 để trồng mỳ. Sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất xây dựng khu bể chứa sản phẩm từ năm 1998 do không thuận lợi về giao thông nên các hộ dân đã chuyển qua trồng cây keo, bạch đàn; 20 thửa đất với diện tích 5,6 ha do 18 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng, hiện nay trên đất trồng keo, bạch đàn.
Ngoài ra, còn có 2 thửa đất với diện tích 1,1 ha nằm ngoài tường rào khu bể chứa sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được thu hồi năm 1998, hiện có 6 hộ dân trồng keo, bạch đàn trên diện tích này.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã Quyết định cho chuyển đổi rừng sản xuất tại khu vực núi Nam Châm sang rừng phòng hộ với tổng diện tích 27,6 ha |
Trên cơ sở đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Sở Tài nguyên và Môi trường, xác nhận của UBND huyện Bình Sơn, UBND xã Bình Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh đồng ý về chủ trương cho hỗ trợ tương đương giá trị bồi thường, hỗ trợ theo loại đất trồng cây lâu năm đối với phần diện tích 2,4 ha; hỗ trợ tương đương giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất theo loại đất trồng rừng sản xuất đối với diện tích 5,6 ha.
Riêng đối với diện tích 1,1 ha, do các cơ quan có liên quan báo cáo chưa cụ thể, rõ ràng về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất, vì vậy chưa đủ cơ sở để UBND tỉnh xem xét, kết luận; UBND huyện Bình Sơn phối với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi báo cáo cụ thể đối với phần diện tích này; nếu cây trồng đến chu kỳ khai thác yêu cầu các hộ dân khai thác bàn giao lại mặt bằng; trong trường hợp chưa đến chu kỳ khai thác, đồng ý hỗ trợ theo quy định.
Về kinh phí thực hiện phương án bồi thường, giải phòng mặt bằng của Dự án, UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn dầu khí Việt Nam sớm chuyển phần kinh phí hỗ trợ 70% cho Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án; giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi làm đầu mối tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí này thực hiện nội dung chi trả bồi thương, GPMB của Dự án; sau khi hoàn thành công tác bồi thường, GPMB của Dự án, chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạch đó, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi triển khai trồng và chăm sóc rừng phòng hộ đúng theo dự án đã được phê duyệt.
Bài & ảnh: Võ Hà