Huế: Tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý, xử lý vi phạm khai thác cát, sỏi
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 30/10/2017
Theo tìm hiểu của PV, bắt đầu từ tháng 3/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi bồi có trách nhiệm thực hiện đúng quy định pháp luật và bảo vệ khoáng sản trong diện tích được cấp giấy phép và chỉ được khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông, bãi bồi trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày.
Tuy nhiên, cát ngày càng khan hiếm, giá tăng mạnh khoảng 70.000- 100.000 đồng/m3 nên những kẻ khai thác cát lậu vẫn cứ bất chấp lệnh cấm, ngang nhiên tung hoàng khắp các dòng sông ở Huế...
“Cát tặc” lộng hành khiến sông sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân |
Quy chế trên quy định rõ trách nhiệm chung của các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã trong phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi; thực hiện và phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền, lĩnh vực, địa bàn quản lý; thực hiện chế độ thông tin thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động khai thác cát, sỏi; công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền, lĩnh vực, địa bàn quản lý và thông báo kết quả cho Sở TN&MT để tổng hợp.
Cụ thể, Sở TN&MT phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của nhà nước về quy hoạch, quản lý và bảo vệ khoáng sản nói chung tại địa phương.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Sở, ban, ngành, địa phương trong công tác nắm tình hình, trao đổi, tiếp nhận thông tin về đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; định kỳ hàng năm (trước ngày 10/12) có văn bản gửi Sở TN&MT cung cấp các thông tin tổng hợp.
Sông Hương ngày càng bị xâm hại nặng nề bởi “cát tặc” hoạt động rất nhiều... |
Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật và cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, danh sách các doanh nghiệp mới thành lập có liên quan đến hoạt động khoáng sản cho Sở TN&MT và Công an tỉnh để theo dõi quản lý (định kỳ 03 tháng/01 lần).
Sở Công Thương định kỳ 03 tháng/01 lần hoặc đột xuất cung cấp cho Sở TN&MT và Công an tỉnh về hồ sơ các đối tượng vi phạm, đã xử lý trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh để phối hợp quản lý.
Sở GTVT định kỳ 03 tháng/01 lần hoặc đột xuất cung cấp cho Sở TN&MT và Công an tỉnh về hồ sơ các đối tượng vi phạm, đã xử lý có liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh để phối hợp quản lý.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo phóng viên, các cơ quan báo chí thường xuyên đưa tin, phản ánh trung thực, đầy đủ các tiêu cực trong hoạt động khoáng sản cát, sỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời cung cấp cho các cơ quản lý nhà nước thông tin, hình ảnh, các phóng sự điều tra về liên quan đến các vi phạm trong hoạt động khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn tỉnh...
Một tàu hút cát đã bị người dân phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng |
Trước đó, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường từng phản ánh nạn “cát tặc” lộng hành nhiều trên sông Hương, sông Tả Trạch ở Thừa Thiên Huế... khiến người dân vô cùng bức xúc. Bởi “cát tặc” gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông bờ suối ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân... Một số nơi người dân cũng đã tự dựng lán trại để ngày đêm phục kích những kẻ khai thác cát, sỏi trái phép.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Phan Văn Thông - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép tại Huế diễn ra vô cùng phức tạp...
“Công an cũng đã phát hiện, xử phạt và báo cáo về Sở nhưng vẫn không chấm dứt được tình trạng trên. Hiện Sở đã thành lập đoàn liên ngành, qua đó xây dựng kế hoạch trực 24/24, cắm chốt trực 100% để xử lý cát tặc...”- ông Thông thông tin.
Bài, ảnh: Văn Dinh