Quảng Trị: Xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 06/10/2017
Thiếu đất sản xuất, người dân vùng cao tỉnh Quảng Trị phải đổ xô đi xâm lấn, phá rừng để lấy đất sản xuất |
Theo số liệu thống kê, hiện nay ở Quảng Trị có 9.353 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với tổng diện tích 7.694 ha. Ngoài ra, có hàng nghìn hộ gia đình khác (không phải dân tộc thiểu số) sinh sống ở các vùng gò đồi có nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp cũng đang trong tình trạng thiếu đất nghiêm trọng. Thiếu đất sản xuất là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của các hộ gia đình.
Huyện Cam Lộ, Công ty Lâm nghiệp Đường 9 được giao quản lý 7.524 ha đất rừng (trong đó 1.800 ha rừng phòng hộ). Tuy nhiên, trong những năm qua nhiều hộ dân xâm lấn bằng hình thức phát cây dọc khe suối, phá rừng… rồi trồng cây lên diện tích đó. Chính quyền xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) thừa nhận nguyên nhân của tình trạng xâm lấn rừng là do người dân địa phương đang thiếu đất sản xuất.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân thiếu đất được lý giải là do địa hình hiểm trở, diện tích đất tự nhiên nhiều nhưng đất có thể canh tác lại ít. Mặt khác, do sự gia tăng về dân số, việc đô thị hóa, xây dựng thủy điện… làm mất đất sản xuất. Vì thiếu đất nên xảy ra hiện tượng người dân đốt, lấn chiếm đất rừng của nhà nước, rừng phòng hộ để sản xuất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là quỹ đất lâm nghiệp giao cho các địa phương đang sử dụng như thế nào? Đơn cử như huyện Cam Lộ hiện đang quản lý 21.000 ha, huyện Hải Lăng quản lý 24.000 ha đất lâm nghiệp.
Để bảo vệ rừng cần giao đất, giao rừng và tạo công ăn việc làm cho người dân nhằm đảm bảo sinh kế và nâng cao trách nhiệm giữ rừng của người dân |
Ngoài diện tích khoảng 56.000 ha rừng đã giao cho các công ty lâm nghiệp và BQL rừng phòng hộ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và triển khai trồng rừng thì hơn 240.000 ha thuộc sự quản lý của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Nếu như quỹ đất lâm nghiệp do chính quyền địa phương quản lý được sử dụng hợp lý cho dân sản xuất thì sẽ không có tình trạng người dân xâm lấn rừng của các công ty lâm nghiệp và các Ban quản lý rừng.
Trước nhu cầu sử dụng đất của người dân địa phương, UBND xã Linh Thượng, huyện Gio Linh đã lập đề án quy hoạch 860 ha đất để cấp cho dân với định mức mỗi hộ ít nhất 3 ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong hai năm 2014- 2015 xã mới chỉ cấp 115 ha cho 96 hộ dân do còn nhiều vướng mắc trong quản lý đất đai ở địa phương. Chính vì tình trạng không có đất sản xuất người dân mới phải bất đắc dĩ xâm lấn rừng trái phép để lấy đất làm kinh tế, kiếm thêm thu nhập.
Để bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng xâm lấn rừng, thiết nghĩ, chính quyền địa phương các huyện, xã tỉnh Quảng Trị cần giao đất, giao rừng một cách hiệu quả, hợp lý cho người dân sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, phối hợp với các công ty lâm nghiệp thuê khoán người dân trồng rừng, giữ rừng để người dân có thêm thu nhập lại có trách nhiệm bảo vệ rừng.
Bài & ảnh:Yến Nhi