Sơn La: Tỷ lệ trồng mới rừng đạt thấp
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2017
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La cho biết: Từ đầu năm tới nay, tỉnh Sơn La đã trồng mới 2.524,7/6.000ha rừng, đạt 42,08% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2017 nên dẫn tới tỷ lệ trồng rừng mới đạt thấp.
Ngoài ra, từ đầu năm tới nay, các huyện, thành phố đã trồng được 1.808 ha cây ăn quả trên đất lâm nghiệp. Chăm sóc diện tích rừng đã trồng năm 2016 và hơn 7.700ha rừng trồng các năm trước. Trong công tác trồng cây phân tán, đã tổ chức trồng được 133.089 cây/339.634 cây các loại, đạt 39,19% kế hoạch. Tiếp tục đưa vào khoanh nuôi hơn 100.000ha rừng.
Bên cạnh đó, xác định công tác bảo vệ rừng, PCCCR là nhiệm vụ quan trọng, quyết định trực tiếp đến diện tích rừng hiện còn và tỷ lệ che phủ rừng, lực lượng kiểm lâm Sơn La đã phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức 627 đợt tuyên truyền tại các xã, bản về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR trong mùa khô cho hơn 28.000 lượt người nghe. Xây dựng, in ấn nội dung áp phích tuyên truyền bảo vệ, PCCCR bằng 3 thứ tiếng: Kinh, Thái, Mông phát cho các bản và chủ rừng trên địa bàn. Làm mới 234 biển cấm, biển báo; phát 165 bảng quy ước bảo vệ rừng; cấp phát hơn 29.000 tờ rơi.
Thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao, hướng dẫn xây dựng, triển khai phương án, bố trí lực lượng PCCCR của các huyện theo phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR giữa huyện với xã; cam kết giữa xã, chủ rừng với bản, hộ gia đình thực hiện bảo vệ rừng, PCCCR ở các địa bàn trọng điểm. Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh chỉ xảy ra 4 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 5,1ha rừng trạng thái IIa.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, lực lượng kiểm lâm đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra các điểm nóng về phá rừng làm nương, khai thác, mua bán, cất giữ, kinh doanh, chế biến, vận chuyển lâm sản trái phép. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, truy quét và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Kết quả, đã phát hiện, lập hồ sơ 435 vụ vi phạm, giảm 24 vụ so với cùng kỳ. Trong đó, 155 vụ vi phạm phá rừng làm nương rẫy trái phép, gây thiệt hại 24ha rừng. Khai thác lâm sản trái phép 23 vụ, tịch thu 46,52m3 gỗ các loại. Buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép 176 vụ, tịch thu 64,94m3 gỗ các loại. Cất giữ lâm sản 64 vụ, tịch thu 85,05 m3 gỗ các loại… Hiện đã xử lý 420/435 vụ, tổng thu nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng.
Nhìn chung, do nhận thức của một số bộ phận người dân trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn xảy ra, đặc biệt là phá rừng để canh tác nương rẫy và buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép.
Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, Chi cục kiểm lâm tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các địa phương tập trung làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc, không để hình thành các “điểm nóng” về bảo vệ rừng. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác PCCCR mùa khô 2017-2018.
Tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc quản lý, cấp phép khai thác gỗ và lâm sản tại các huyện, thành phố.
Tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phù hợp với nhận thức, tập quán và điều kiện cụ thể của từng đối tượng tuyên truyền.
Nguyễn Nga