Cao Bằng: Chuyển biến tích cực thi hành Luật đất đai năm 2013

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 21/09/2017

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Cao Bằng, chiều 20/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã làm việc với lãnh đạo UBND và một số sở, ban, ngành tỉnh Cao Bằng về tình hình thi hành Luật đất đai năm 2013 và định hướng sửa đổi Luật đất đai năm 2013.

Kết quả thi hành Luật đất đai năm 2013, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện triển khai, phổ biến, giới thiệu Luật đất đai đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đồng thời, đăng tải trên các trang tin địa phương, đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo người dân nắm được. Tỉnh Cao Bằng ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành, thể hiện đầy đủ nội dung trong lĩnh vực quản lý đất đai, đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế địa phương…

Đđồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường phát biểu tại buổi làm việc.

Do vậy, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đạt được nhiều kết quả: Phương án điều chỉnh, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành, đảm bảo phù hợp chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Cao Bằng theo văn bản số 1927/TTg – KTN ngày 2/11/2016 và đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường thẩm định, HĐND tỉnh Cao Bằng thông qua. Đối với việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện: Các huyện, thành phố đã thực hiện được 4/5 bước trong trình tự thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Việc sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là chuyển từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích đất phi nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ. Tỉnh đã thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá được 349 hồ sơ, công trình với tổng diện tích 467,56ha; cho thuê đất không thông qua đấu giá được 56 dự án, công trình, với tổng diện tích 19.373,33ha; chuyển hình thức gia đất (không thu tiền sử dụng đất) sang hình thức thuê đất được 5 đơn vị, với diện tích 12,8ha.

Tại cấp huyện, giao đất cho hộ gia đình, cá nhân (thông qua đấu giá quyền sử dụng đất) được 38 trường hợp, với diện tích 6.520m2, chuyển mục đích sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân được 303 trường hợp, với diện tích 12.000m2 từ đất trồng lúa, cây lâu năm khác sang mục đích đất ở. Diện tích đất thu hồi 429,4ha (trong đó: đất trồng lúa 32, 94ha, đất rừng phòng hộ 175,80 ha, đất khác 220,6ha.

Thực hiện bồi thường, tái định cư trên địa bàn tỉnh được tiến hành công khai, minh bạch… Số hồ sơ và Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, với 48.700 hồ sơ và 97.316 Giấy chứng nhận QSDĐ. Sở Tài nguyên & Môi trường đang vận hành, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan, đơn vị. Các đơn thư tố cáo, khiếu nại về đất đai đều được các cơ quan, ban, ngành giải quyết triệt để, không để tồn đọng, kéo dài.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, quy hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn, chưa gắn kết đồng bộ. Công tác thu hồi đất theo quy định Luật đất đai năm 2013 chậm tiến độ triển khai, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ còn thấp, công tác phối hợp giữa cơ quan, ban, ngành chưa thực sự hiệu quả.

Đại diện tỉnh Cao Bằng tập trung ý kiến, kiến nghị: Bộ Tài nguyên & Môi trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho phù hợp thực tế địa phương. Đề nghị, Bộ nghiên cứu tham mưu sửa đối, bổ sung phù hợp, dễ thực hiện thời gian bảo quản và xử lý tài sản của người bị thu hồi đất. Quy định thêm về giao đất ở cho cán bộ, công chức nhà nước đối với các trường hợp chưa có đất ở, để tạo điều kiện cho cán bộ công chức Nhà nước yên tâm công tác…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa có ý kiến chỉ đạo: Tỉnh Cao Bằng và cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra quản lý, sử dụng đất cần đẩy mạnh hơn, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra thi hành Luật đất đai. Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai; tạo điều kiện để thực hiện quản lý đất đai công khai, minh bạch và thuận lợi trong việc cải cách thủ tục hành chính.

Tin, ảnh: Phạm Hoàng