Lào Cai: Gian nan câu chuyện quản lý khai thác khoáng sản làm VLXD
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2017
Dù đang bị đình chỉ hoạt động nhưng điểm tập kết của Công ty TNHH Phú Hùng (thành phố Lào Cai), cát vẫn chất cao như núi. |
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm gần đây, hoạt động xây dựng diễn ra vô cùng sôi động và rộng khắp, giúp cho bộ mặt của các đô thị như thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa, Bắc Hà…ngày càng khang trang, hiện đại. Do đó, nhu cầu và giá cả vật liệu xây dựng (cát, sỏi) cũng tăng mạnh.
Qua tìm hiểu về giá các loại cát, sỏi, đá xây dựng bán tại thị trường thành phố Lào Cai, được biết: Giá cát xây tường đang ở ngưỡng 90.000 đồng/m3, tăng 20.000 đồng/m3 so với đầu năm 2016; cát trát tường hiện có giá 150.000 đồng/m3, tăng 100.000 đồng so với đầu năm 2016; sỏi đổ bê tông hiện có giá 140.000 đồng/m3, tăng 60.000 đồng so với đầu năm 2016…
Cần nói thêm rằng, giá bán vật liệu xây dựng trên đây là không có hóa đơn, chứng từ. Nếu khách hàng muốn đơn vị kinh doanh xuất hóa đơn thì phải cộng thêm từ 40 - 45% giá thành cho 1 m3 sản phẩm, tương ứng với mức cộng thêm từ 40.000 – 45.000 đồng/m3 cát, sỏi.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các công trình xây dựng do người dân thực hiện đều không lấy hóa đơn chứng từ khi mua cát, sỏi. Cùng với đó, các chủ bến, bãi khai thác, kinh doanh cát, sỏi cũng hết sức hạn chế việc xuất hóa đơn khi bán sản phẩm vì nó liên quan đến hạn mức họ được cấp quyền khai thác và các khoản thuế, phí phải đóng cho nhà nước – Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Quang, một lái xe tải có thâm niên nhiều năm mua bán, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn thành phố Lào Cai.
Điểm tập kết cát sát chân cầu xã Vạn Hòa (TP lào Cai), có vi phạm luật? |
Lợi nhuận đem lại từ việc khai thác, kinh doanh cát sỏi quá lớn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này luôn diễn ra phức tạp.
Tại hàng chục điểm khai thác cát trên sông Hồng dọc tuyến từ thành phố Lào Cai đến xã Bảo Hà (Bảo Yên), chúng tôi nhận thấy các tàu khai thác cát không cắm mốc vị trí, phạm vi giới hạn được cấp phép khai thác. Hầu hết tổ chức, cá nhân đang thực hiện việc khai thác cát, sỏi trên sông Hồng đều không hợp tác với PV hoặc nếu có cung cấp thông tin thì viện cớ rằng, trữ lượng cát, sỏi trên sông Hồng giảm sút mạnh, nên đội tàu hút phải di chuyển liên tục qua các vị trí khác nhau.
Ông Hoàng Anh, Trưởng phòng TN&MT thành phố Lào Cai cho biết: Trên địa bàn thành phố có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi trên sông Hồng để làm vật liệu xây dựng, với tổng sản lượng khai thác 108.000 m3/ năm. Tuy nhiên, qua các cuộc thanh kiểm tra từ đầu năm đến nay, cấp có thẩm quyền đã ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 4 doanh nghiệp do chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất làm bãi tập kết vật liệu và tổ chức khai thác vượt hạn mức được cấp phép. Cụ thể đó là, Công ty TNHH Phú Hùng, HTX Tân Hồng, Công ty TNHH An Trường Phú và HTX Cửa Ngòi. Các doanh nghiệp trên chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý và có ý kiến chỉ đạo của tỉnh Lào Cai.
Hoạt động xây dựng đang “vào mùa” đẩy mạnh nhu cầu sử dụng sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã tạo động lực để các doanh nghiệp khai thác quá mức nguồn tài nguyên cát, sỏi. |
Ông Vũ Đình Thủy, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Lào Cai thẳng thắn cho biết: Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn có những diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng đột biến khiến nhiều tổ chức, cá nhân dù biết là vi phạm pháp luật vẫn tổ chức khai thác cát, sỏi trái phép. Việc thanh, kiểm tra, phát hiện để xử lý các trường hợp vi phạm gặp nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng, đặc biệt là lòng sông, suối hẹp chảy trên địa hình dốc nên lượng cát, sỏi tích tụ manh mún và phân bố khắp nơi dễ phát sinh các điểm khai thác trái phép nhỏ lẻ.
Trong khi, lực lượng làm công tác quản lý khoáng sản từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu và yếu về nghiệp vụ chuyên môn. Đặc biệt, việc phân cấp thẩm quyền xử lý vi phạm cho chính quyền cấp huyện và xã vẫn còn hạn chế và chưa phù hợp, khiến hiệu lực và hiệu quả trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cao.
Được biết, trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai hiện có 57 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn hiệu lực, với tổng sản lượng khai thác hàng năm là 2.231.600 m3/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2016 và quý I năm 2017, qua công tác thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện có đến 42 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng sai phép và không phép, với tổng số tiền xử phạt 663 triệu đồng.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, Sở TN&MT Lào Cai cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan tăng cường phối hợp, tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn...
Hy vọng rằng, với những giải pháp nêu trên và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong thời gian tới, những diễn biến phức tạp trong khai thác, kinh doanh cát sỏi tại các lòng sông, suối trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ được chấn chỉnh.
Bích Hợp