Người gác Hải đăng Tiên Nữ
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/09/2017
Tiên Nữ là ngọn hải đăng thứ 3 được xây dựng trên một đảo chìm nằm, một mỏm đá mồ côi - Đảo đá Tiên Nữ. Năm 2000, đèn biển đảo Tiên Nữ được thiết lập ở vị trí cách điểm đảo khoảng 2,9 hải lý về phía Đông Bắc. Đèn biển đảo Tiên Nữ có tâm sáng ở độ cao 20,5m, tầm hiệu lực ánh sáng ban ngày 14 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng ban đêm 15 hải lý.
Tôi gặp Trịnh Văn Nguyên, Trưởng trạm Hải đăng Tiên Nữ ngay trên đảo chìm Tiên Nữ. Hải đăng Tiên Nữ nằm cách đảo Tiên Nữ chừng 1,2 hải lý. Đây là ngọn đèn biển cực Đông của Tổ quốc, bởi từ đảo Tiên Nữ ra đến Nhà đèn phải qua một hồ nằm trong bãi đá, tàu lớn không vào được, xuồng chỉ được phép chạy khi thời tiết thật thuận lợi.
Học đại học hàng hải, nhưng duyên nghiệp lại "xoay" anh sang gắn bó với những ngọn Hải đăng. 47 tuổi, anh Nguyên đã có 21 năm gắn bó với những ngọn đèn biển.
Nước da sạm đen vì nắng gió Trường Sa, anh Nguyên cho hay, đây là lần thứ 3 bám trụ ở Hải đăng Tiên Nữ. "Sau 10 năm mình quay lại với Hải đăng Tiên Nữ. Giờ đã được hơn 2 năm rồi". Trước đây, anh Nguyên đã từng làm việc tại các ngọn hai đăng trên đảo Song Tử Tây, Đá Tây, Đá Lát, An Bang.
Hơn 20 năm bám biển, lăn lộn nơi đầu sóng ngọn gió, Trịnh Văn Nguyên cảm thấu nỗi gian truân, những nhọc nhằn và trách nhiệm lớn lao, niềm tự hào của những người dẫn đường trên biển. Nhớ lại những ngày đầu gian khó, anh Nguyên cho biết, trước đây, mỗi chuyến đi công tác dài ngày đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng, từ lương thực, thực phẩm, nước ngọt, đến các trang thiết bị phục vụ công việc. Điều gì có thể thiếu, chứ đèn không thể tắt.
Nơi đảo xa, cuộc sống của anh em công nhân nhà đèn đầy thử thách. Anh Nguyên cho biết: Dù giữa bốn bề sóng biển, nhưng ở hòn mồ côi, cũng không thiếu thứ gì. Anh em tự trồng rau, chăn nuôi cải thiện. Bên cạnh đó, anh em cũng phát huy thuận lợi có nguồn hải sản tự nhiên xung quanh đảo dồi dào để cải thiện.
Ở Trạm Hải đăng Tiên Nữ có 6 người, trẻ nhất 23 tuổi. Cứ 2 tháng 1 lần, tàu từ đất liền đưa nhu yếu phẩm ra đảo. Đều là những người trẻ, nên mọi người cùng giúp đỡ nhau trong công việc, chia sẻ vui buồn. Những lúc thời tiết đẹp cũng như những ngày sóng to, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt, anh em luôn đùm bọc, bám lấy nhau, san sẻ, động viên nhau trong mọi tình huống, mọi công việc để hoàn thành xuất sắc được nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Tổ quốc giao phó.
Anh em khi ra công tác ở Hải đăng Tiên Nữ đều phân chia nhau nghỉ phép. Trạm trưởng 9 tháng nghỉ phép 1 lần, anh em bên dưới 6 tháng nghỉ 1 lần (mỗi lần nghỉ phép 1 tháng).
Điều đặc biệt và cũng là niềm vui mà Trưởng trạm chia sẻ là người con trai duy nhất của anh đã học Đại học Hàng hải Việt Nam. “Cháu học tốt và là chỗ dựa cho mẹ, như thế là mình cũng vững lòng rồi” – anh Nguyên nhìn ra phía biển trải lòng.
Nói về công việc của những người giữ nguồn sáng cho Hải đăng, anh Nguyên cho hay: Bây giờ, công việc đòi hỏi với người gác đèn biển cao hơn rất nhiều. Để có thể đảm đương được công việc, anh em phải qua các lớp đào tạo và học sâu về hàng hải, về kỹ thuật và ứng phó sửa chữa đèn biển khi có sự cố xảy ra. Một trong những nguyên tắc bất định của nghề là đèn phải luôn sáng. Không thể dừng một giây. Bởi thế, anh em chúng tôi luôn bảo đảm các chế độ nghiêm ngặt về kiểm tra, bảo trì và chăm sóc đèn biển.
Tôi biết, không chỉ ở Hải đăng Tiên Nữ, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, những người gác hải đăng vẫn ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ dẫn đường trên biển. Dù gian khó, luôn phải đối mặt với sóng gió nơi tiền tiêu, nhưng họ vẫn kiên cường bám trụ để những ngọn đèn của Trường Sa không bao giờ tắt, góp phần giúp cho tàu bè quốc tế và cũng như trong nước vượt qua những bãi đá ngầm, vượt qua những cơn sóng gió thất thường, giữ vững bình yên trên biển, đảo quê hương.
Trên quần đảo Trường Sa hiện có 9 cây đèn biển tại các đảo: Tiên Nữ, Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Trường Sa lớn. Những ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa không bao giờ tắt, bất kể nắng hay mưa, biển lặng hay bão tố. Đó không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, mà còn khẳng định một điều hiển nhiên: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Việc xây dựng những ngọn đèn biển này theo luật pháp quốc tế là trách nhiệm của quốc gia có biển, vừa là cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam, được cơ quan Quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên Hải đồ quốc tế. |
Bài & ảnh: Ngọc Lý