Tạo sinh kế cho người bị thu hồi đất
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/08/2017
Do đó, tạo việc làm ổn định cho người bị thu hồi đất là việc làm cấp bách. Rất nhiều địa phương có cách làm hiệu quả tạo sinh kế bền vững cho người dân không còn đất sản xuất.
Nhiều khó khăn, bất cập
Theo thống kê của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) hiện nay, trung bình mỗi hộ nông dân có 1,5 lao động và mỗi hecta đất bị thu hồi sẽ ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp.
Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp và đất ở trong 5 năm qua đã tác động tới đời sống của 627.495 hộ gia đình, khoảng 950 ngàn lao động và 2,5 triệu người.
Ảnh minh họa |
Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ bị ảnh hưởng đất lớn nhất, với khoảng 300 000 hộ; Đông Nam Bộ với khoảng 108.000 hộ.
Đây là những con số rất đáng lưu tâm. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, tỷ lệ lao động không có việc làm trước khi bị thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội là 4,7%, sau khi thu hồi đất con số này tăng lên hơn 10%.
Đáng lo hơn, trung bình 1.000 lao động bị thu hồi đất thì chỉ có 190 người dùng tiền đền bù để đi học nghề và 90 người được tuyển dụng.
Xung quanh việc dù đã hỗ trợ nhưng người bị thu hồi đất chưa tìm được việc làm ổn định, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bởi thực tế chỉ có 27,23% lao động bị thu hồi đất tốt nghiệp trung học phổ thông và 14% lao động được đào tạo nghề. Hơn nữa, tiếng là có hỗ trợ nhưng công tác tuyển dụng lao động tại các địa phương có đất bị thu hồi chưa thực sự hiệu quả.
Hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu
Để tạo việc làm ổn định cho người dân mất đất, nhiều tỉnh thành, đã có cách làm hay hiệu quả. Tỉnh Hải Dương thực hiện chính sách dạy nghề miễn phí 100% cho những người thuộc hộ đã bàn giao từ 50% diện tích đất canh tác trở lên.
TP Đà Nẵng hỗ trợ 4 triệu đồng cho một nông dân bị thu hồi đất. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong giải quyết việc làm cho người mất đất.
Theo đó, mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND về việc hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn thành phố.
Theo quyết định này, người lao động bị thu hồi đất được ngoài hỗ trợ học nghề, còn được hỗ trợ việc làm.
Cụ thể, người lao động có nhu cầu tìm việc làm được tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc tại phiên giao dịch việc làm lưu động tại các điểm giao dịch ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ về tín dụng như được vay vốn ưu đãi để học nghề, hoặc người lao động có nhu cầu vay vốn được ưu tiên vay vốn từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Mức vay tối đa 50.000.000 đồng/1 chỗ việc làm mới được tạo ra.
Theo ông Nguyễn Viết Hướng- Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, huyện Hoài Đức (xã có 400/490ha đất với 2.100 hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp), thời gian qua, xã An Khánh phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện khảo sát nhu cầu thực tế và mở nhiều lớp dạy nghề cho người dân.
Sau khi được học nghề, nhiều hộ gia đình đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Tương tự, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức có tới 80% diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn ổn định, phát triển nhờ được học nghề phù hợp như nấu ăn, vi tính văn phòng, trồng hoa, cây cảnh...
Theo Đại đoàn kết