Kon Tum: Tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng hiệu quả tiền DVMTR

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/08/2017

  (TN&MT) - Thực hiện kế hoạch truyền thông năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum vừa tổ chức tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ...

 

(TN&MT) - Thực hiện kế hoạch truyền thông năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum vừa tổ chức tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng hiệu quả tiền chi trả DVMTR tại xã Văn Lem, huyện Đăk Tô. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của hàng chục hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, giao rừng trên địa bàn.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum đang hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả tiền DVMTR
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum đang hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả tiền DVMTR

Những tác dụng mà rừng mang lại cho con người đã không thể phủ nhận, do đó việc bảo vệ và phát triển rừng để rừng ngày càng phát huy những tác dụng của nó là điều rất cần thiết. Từ đó, chính sách chi trả DVMTR ra đời, thiết lập mối quan hệ cung ứng và chi trả giữa bên sử dụng DVMTR trả tiền cho bên cung ứng DVMTR. Nhờ đó, công việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển các khu rừng cung ứng DVMTR được trả công xứng đáng, giúp những người làm công việc này ngày càng gắn bó hơn với rừng.

Tại Hội nghị, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng và phổ biến chính sách chi trả DVMTR theo các Nghị định của Chính phủ: số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 và số 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Đồng thời đánh giá sơ bộ tình hình quản lý, bảo vệ rừng và chi trả DVMTR trên địa bàn xã Văn Lem trong thời gian qua; kết hợp với tập huấn quản lý sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế cho các hộ gia đình, cá nhân.

Hội nghị tuyên truyền giúp người dân nhận thức được những lợi ích mà chính sách chi trả DVMTR mang lại: là nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thực hiện tốt công tác xã hội hóa nghề rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Từ đó, tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người hưởng lợi trong việc quản lý và bảo vệ rừng.

Được nhà nước giao đất, giao rừng cho quản lý, bảo vệ từ năm 2006 đến nay, gia đình ông A Pheo (xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, Kon Tum) đã có hơn 10 gắn bó với rừng. Chia sẻ về lợi ích mà chính sách chi trả DVMTR mang lại cho gia đình, ông A Pheo phấn khởi cho biết: “Tuy đã được giao bảo vệ rừng từ năm 2006, nhưng đến năm 2011 gia đình mới được hưởng tiền DVMTR. Nhờ có nguồn tiền này, kinh tế gia đình có khá hơn, có thu nhập cho con cái học hành, có vốn để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Từ là một hộ nghèo trong xã nhiều năm, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, có tiền mua sắm vật dụng và sửa sang nhà cửa”.

Cũng theo ông A Pheo, so với trước kia, khi chưa được trả tiền DVMTR, gia đình ông và một số hộ gia đình khác được giao rừng trong xã chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ rừng. “Vì người dân còn phải đi làm ruộng, rẫy để kiếm cái ăn, nên rừng trước kia không được quan tâm bảo vệ, nhiều người còn khai thác rừng trái phép. Bây giờ có tiền DVMTR, được các cán bộ hướng dẫn sử dụng tiền này để phát triển kinh tế nên nhiều hộ gia đình đã khá hơn, từ đó làm tốt hơn việc bảo vệ rừng”, ông A Pheo cho biết.

Được biết, xã Văn Lem có 64 hộ gia đình được nhà nước giao quản lý 607,67 ha rừng. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, đời sống của các hộ dân đã dần được cải thiện nên ngày càng gắn bó với rừng hơn, trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng cao hơn. Năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã ủy thác cho Ban chi trả dịch vụ môi trường rừng huyện Đăk Tô (do Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô kiêm nhiệm) chi trả cho 64 hộ gia đình trên số tiền hơn 208 triệu đồng, bình quân một hộ gia đình được nhận hơn 3 triệu đồng/năm.

Anh Phạm Hải Hưng – Cán bộ Địa chính Xây dựng xã Văn Lem cho biết: “Thực tế, từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện, diện tích rừng trên địa bàn xã được đảm bảo, công tác quản lý, bảo vệ rừng được làm tốt hơn, hiện trạng rừng được giữ nguyên, hiện tượng bà con xâm canh, phá rừng làm rẫy giảm đáng kể”. Điều đó cho thấy rừng đã và đang được bảo vệ tốt để ngày càng tạo ra nhiều lợi ích hơn cho con người.

Ngoài xã Văn Lem, Hội nghị tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR và tập huấn quản lý, sử dụng hiệu quả tiền DVMTR còn được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tiến hành thực hiện tại các xã có rừng trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR có hiệu quả, thúc đẩy các hoạt động phát triển sinh kế của các hộ gia đình, cá nhân.

Quế Mai