Đắk Lắk: Thất thu ngân sách do buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 16/07/2017
Doanh nghiệp nhiều, thu thuế ít
Đắk Lắk đã phát hiện ra 28 loại khoáng sản như: vàng, đá quý (saphir, canxêdoan, granat, opan…) Thạch anh tinh thể, chì, kẽm, đá gran nit ốp lát, than bùn… Trong đó các khoáng sản được khai thác nhiều chủ yếu làm vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát, sét làm gạch, ngói nung, một số khoáng sản đã và đang bị khai thác lậu như vàng, đá saphir, thạch anh… riêng đá gran nít ốp lát đang trong giai đoạn thăm dò.
Đồng chí Y Biêr Niê, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk nhất mạnh: Việc buông lỏng quản lý trong khai thác khoáng sản dẫn đến thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, làm sạt lở bờ sông và thất thu cho ngân sách nhà nước. |
Đắc Lắk hiện có 50 doanh nghiệp tham gia khai thác, kinh doanh khoáng sản tạo việc làm cho khoảng 1000 người, thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/năm. Song theo đánh giá của đoàn giám sát HĐND tỉnh Đắk Lắk thì: đóng góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực này đối với kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Nhất là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: cát, đá, sét… Việc doanh nghiệp nộp thuế ít được đánh giá là do công tác quản lý nhà nước về thuế của các ngành liên quan còn rất nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ đã dẫn đến việc doanh nghiệp khai thác không theo giấy phép, kê khai nộp thuế tài nguyên không đúng sản lượng đã khai thác đã gây thất thu rất lớn cho ngân sách.
Hàng trăm m3 đá Grannít ốp lát bị lợi dụng thăm dò khai thác lậu tại huyện Krông Bông gây thất thoát tài nguyên. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm có khoảng 1,2 đến 1,5 triệu m3 cát được khai thác, trong khi đó công suất được cấp phép khai thác là 606.724m3/năm. Thế nhưng theo báo cáo của ngành thuế trong 5 năm từ 2012 đến 2016 chỉ thu thuế được 877.455m3 cát nghĩa là 5 năm thu thuế chỉ bằng 2/3 số lượng cát được khai thác trong một năm. Số thu này chỉ bằng 1/3 công suất được cấp phép. Như vậy, mỗi năm Đắk Lắk thất thu thuế tài nguyên khoảng 1 triệu m3cát. Đây là một nghịch lý được đại biểu Phạm Minh Tấn - Phó bí thư thường trực tỉnh Ủy, đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 9 chỉ rõ tại buổi họp thông qua báo cáo giám sat chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thứ 4.
Ai chịu trách nhiệm?
Đây là vấn đề được trao đổi, đóng góp sôi nổi tại buổi họp thông qua. Nhiều đại biểu đã đề nghị thẳng thắn cần gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc làm thất thu ngân sách nhà nước rất lớn trong khai thác khoáng sản. Đây là vấn đề quan trọng, bởi khi làm rõ được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị làm thất thu thuế, để doanh nghiệp khai thác không đúng giấy phép được cấp, không đúng quy hoạch, thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản thì mới có sự chỉ đạo, lãnh đạo cụ thể trự tiếp tìm hướng khắc phục. Không nêu chung chung sẽ rơi vào tình trạng “Cha chung không ai khóc” mặc sức doanh nghiệp khai thác khoáng sản tràn lan còn thuế thu được bao chẳng ai chịu trách nhiệm.
Khai thác cát xây dựng quá nhiều nhưng không được kê khai nộp thuế tài nguyên theo quy định gây thất thu cho ngân sách. |
Thất thu ngân sách, lãng phí tài nguyên không chỉ do quản lý bất cập, hạn chế, yếu kém mà chính nội tại các doanh nghiệp cũng đang làm lãng phí tài nguyên lớn, gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân được chỉ rõ là: Doanh nghiệp không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản; doanh nghiệp nhỏ, công nghệ khai thác lạc hậu, sản phẩm sau chế biến nghèo nàn chủ yếu bán khoáng sản thô nên hiệu quả kinh tế không cao. Vấn đề này đang tác động xấu đến cộng đồng dân cư gây bức xúc trong dư luận.
Hơn nữa sự đóng của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho xã hội còn nhiều hạn chế, dường như không có, trong khi đó tác động xấu thì thấy rất rõ là: xe vận chuyển khoáng sản là cát, đá, sét… lưu thông trên đường với mật độ cao nhất là xe có tải trọng lớn gây hư hỏng các tuyến đường giao thông từ nông thôn đến cả quốc lộ nhưng việc huy động doanh nghiệp cùng sửa chữa là không thể.
Tại báo cáo kết luận số 51/BC-HĐND của HĐND tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk cần có biện pháp mạnh chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản từ việc cấp phép, thăm dò khai thác, vận chuyển, đến chế biến, chống thất thu ngân sách từ thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường trên sản lượng khoáng sản thực tế khai thác và các tồn tại mà đoàn giám sát đã nêu. UBND tỉnh Đắk Lắk cần làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.
Để tăng cường công tác quản lý, đưa việc khai thác khoáng sản đi vào nề nếp, chống thất thu cho ngân sách, không gây lãng phí tài nguyên và đảm bảo môi trường trong khai thác khoáng sản. Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 9 đã thông qua nghị quyết về việc chấp hành pháp luật trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn./.
Đình Thắng