Khai thác, vận chuyển than trái phép tại Quảng Ninh: Cơ quan chức năng "làm ngơ"?
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 14/07/2017
Đoàn xe Howo cơi nới “khủng” chở lượng than trái phép lớn đi tiêu thụ bị cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ vào đêm 28.5. Ảnh: T.N.D |
Thực trạng nêu trên đã được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐNĐ tỉnh Quảng Ninh - ông Nguyễn Văn Đọc - vạch rõ tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh diễn ra mới đây.
Những chiêu thức tinh vi
Vấn nạn “trá hình” nhằm khai thác, tiêu thụ than trái phép đã được người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ninh chỉ ra rằng: Thời gian vừa qua, thị xã Đông Triều xảy ra những vụ việc rất “nóng” liên quan tới việc tận thu than trong quá trình thực hiện các dự án, như nhà máy xử lý rác thải, nạo vét hồ điều hòa và tình trạng các đối tượng “đầu trò” mua đi bán lại đất rừng có than nằm phía dưới.
Trong đó, dự án nhà máy xử lý rác thải ở xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều khi làm móng đã xuất lộ trữ lượng than lớn. Chủ đầu tư dự án này không chỉ đào móng sâu tới 40m, mà còn mở rộng ranh giới ra ngoài diện tích. “Không ai lại đi đào móng trên một diện tích rộng sâu tới 40 mét cho một nhà máy xử lý rác thải cả. Điều này là bất thường và không theo quy chuẩn xây dựng” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc bày tỏ hoài nghi.
Không những vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh còn “bóc mẽ” những chiêu thức khác của các ông “trùm” bên ngoài thông qua hình thức lợi dụng việc quản lý ranh giới giữa Đông Triều với Uông Bí, giữa các khai trường của các Cty than, nhất là ở khu vực Tây Yên Tử, để khai thác, vận chuyển than trái phép. Vụ việc mới đây nhất, ngày 12.6, Báo Lao Động đã có bài phải ánh: “Vùng đệm Khu bảo tồn rừng Quốc gia Yên Tử: Than “thổ phỉ” hoành hành”. Trong bài viết này, Báo Lao Động đã phanh phui sự tồn tại của “một đế chế” khai thác than trái phép trong nhiều năm qua mà không được các cơ quan chức năng phát hiện.
Trở lại vụ việc “nóng” về quản lý khai thác than trái phép tại 2 địa phương như Đông Triều và TP. Uông Bí, để lập lại trật tự, giảm thiểu những vụ thông đồng, trộm cắp tài nguyên quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đã phải làm việc với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và TCty Đông Bắc để siết chặt lại công tác quản lý, khai thác tại các đơn vị liên quan và loại bỏ các hợp đồng cho phép tư nhân lợi dụng bốc xúc vận tải đất đá với các Cty khai thác than của nhà nước rồi vận chuyển than ra ngoài tiêu thụ trái phép, dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước.
Mối nguy hại này sẽ trở thành ung nhọt, bất ổn trật tự xã hội nếu chính quyền không cương quyết ngăn chặn, bởi trong thời gian gần đây đã có nhiều vụ việc xã hội đen đe dọa người dân, cán bộ khi tố giác, quyết liệt với nạn khai thác, vận chuyển than trái phép; thậm chí, trong thực tế, đã xảy ra thanh toán lẫn nhau, tranh giành lãnh địa... Lường trước những phức tạp này, mới đây nhất tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đình chỉ sản xuất mỏ tại địa bàn thị trấn Mạo Khê, thị xã Đông Triều (liên quan đến Cty 397, TCty Đông Bắc) khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài.
Cơ quan chức năng “dung túng”?
Ngày 7.7, lãnh đạo thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí và Công an tỉnh Quảng Ninh khi trả lời chất vấn HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII (được truyền hình trực tiếp) đều cho rằng: Đã kiểm soát và xử lý rất tốt tình trạng khai thác than trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, kết luận phần chất vấn liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, với những gì đã diễn ra, câu trả lời của lãnh đạo các địa phương khó nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Theo ông Đọc, cứ khi nào các cơ quan, ban ngành và địa phương vào cuộc mạnh mẽ thì tình trạng trên giảm và ngược lại. Bởi, than nằm trong nhà dân, trong ranh giới giữa các mỏ, các địa phương nên dễ bị các đối tượng lợi dụng.
Có một thực tế, khi người dân tố giác, thì địa phương kiểm tra lại không thấy. Một số ý kiến của đại biểu bên lề hội nghị chia sẻ với PV Báo Lao Động rằng, họ toàn nói đã kiểm soát tốt tình trạng khai thác, tiêu thụ than trái phép và xử lý nhiều vấn nạn này, nhưng lại không hề đưa ra con số bao nhiêu vụ việc xử lý liên quan đến pháp luật đối với các đối tượng vi phạm.
Điều đáng lo ngại, là trong hầu hết các vụ việc lớn liên quan đến khai thác, tiêu thụ than trái phép thời gian gần đây đều do người dân cung cấp thông tin đến lãnh đạo tỉnh và báo chí điều tra, phản ánh... Vụ việc điển hình mới đây nhất (ngày 28.5): Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra một đoàn xe gồm 9 chiếc Howo A7 “khủng” đã cải hoán thành thùng lưu thông theo tuyến đường 279 hướng Hoành Bồ - Hạ Long bị phát hiện chuyên chở một khối lượng than rất lớn. 6 chiếc trong đoàn xe trên đã được xử lý về nguồn gốc số than trái phép đang vận chuyển và vi phạm tải trọng cơi nới thành thùng, trong khi những chiếc còn lại đã kịp tẩu tán.
Theo nguồn tin cung cấp cho PV Báo Lao Động, không phải ngẫu nhiên mà Công an tỉnh Quảng Ninh lại bắt được đoàn xe chở than “khủng” nêu trên, nếu không có cuộc điện thoại từ chính lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi tiếp nhận thông tin báo đến điện thoại từ nhân dân đã yêu cầu phải xử lý nghiêm. Câu hỏi đặt ra, phải chăng một bộ phận cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã buông lỏng hay làm ngơ trước các nhóm đối tượng “đầu sò” khai thác, tiêu thụ than trái phép (?).
Ai, thế lực nào đứng sau “bảo kê” cho những ông trùm ngày đêm đang tìm các đục khoét, đánh cắp tài nguyên mà không bị sờ gáy, hay bị xử lý trước pháp luật như sự mong mỏi của người dân và chính từ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh?
Theo Báo Lao động