Thiết lập chương trình nhân giống Sao la tại Vườn quốc gia Bạch Mã

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/07/2017

(TN&MT) - Nhóm các nhà nghiên cứu Sao la (SWG) của Chương trình Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC) thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vừa công bố chương trình nhân giống Sao la nhằm bảo tồn và chống săn bắt loài động vật đặc biệt bí ẩn này.

Theo đó, SWG đã hợp tác cùng Bộ NN&PTNT và tiến hành lựa chọn Vườn Quốc gia Bạch Mã làm trung tâm nhân giống Sao la đầu tiên trên thế giới. Hiện Trung tâm đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất của đơn vị này là phải tìm bằng được loài Sao la.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1992, chỉ khoảng 10 cá thể Sao la được tìm thấy bởi người dân tại Lào và Việt Nam, song do thiếu các chuyên gia và sự chăm sóc đặc biệt nên thời gian Sao la sống lâu nhất sau khi bị phát hiện vài tháng. Lần cuối cùng một cá thể Sao la được tìm thấy là năm 2010 tại một ngôi làng của Lào và chết trong vòng một tuần sau đó.

Sao la còn được gọi là kỳ lân châu Á bởi nó hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện sau khi được phát hiện vào năm 1992
Sao la còn được gọi là kỳ lân châu Á bởi nó hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện sau khi được phát hiện vào năm 1992

Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu sinh vật cũng chỉ 5 lần chụp được ảnh của loài vật đặc biệt này, tất cả đều bằng máy bẫy ảnh; trong đó 2 lần tại Lào và 3 lần tại Việt Nam. Hình ảnh gần đây nhất của Sao la được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh do WWF lắp đặt là năm 2013 tại một khu bảo tồn Sao la thuộc miền Trung Việt Nam. Đó là hình ảnh đầu tiên của loài này sau 15 năm.

Sao la rất khó tìm kiếm, sống trong những khu rừng rậm rạp, tại các nơi xa xôi và rất khó tiếp cận. Cùng với sự bí ẩn của mình, Sao la được đặt tên là “Kỳ lân” của châu Á. Các nhà sinh vật học và đối tác của SWG hiện đang thử nghiệm nhiều phương pháp nhằm phát hiện loài Sao la, từ phương pháp “thử và đúng” như lắp đặt hệ thống máy bẫy ảnh, tới các biện pháp mới hơn như xác định DNA.

Ngoài Sao la, còn có rất nhiều loài quý hiếm và đặc hữu của dãy Trường Sơn như Thỏ vằn Trường Sơn, Mang lớn hoặc Mang Trường Sơn, Mang thường cũng được ghi nhận qua hệ thống máy bẫy ảnh tại sinh cảnh của Sao la. Đặc biệt, SWG và các đối tác cũng sẽ lần đầu tiên thực hiện chương trình nhân giống loài Mang lớn, được phát hiện 2 năm sau Sao la, tại Trung tâm nhân giống Bạch Mã. Đây sẽ là những nỗ lực đầu tiên, có tổ chức, nhằm nhân giống các loài hoang dã bằng phương pháp nuôi nhốt.

PV