Bình Định: Cần chấn chỉnh khai thác khoáng sản trái phép
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/07/2017
(TN&MT) - Gần đây, tình trạng lén lút khai thác cát trái phép trên sông An Lão đoạn chảy qua xã Ân Mỹ, hay hiện tượng người dân tự ý “xẻ” đồi để cải tạo đất, mở rộng khu vườn để xây dựng công trình hoặc trồng tiêu trên địa bàn huyện Hoài Ân (Bình Định) có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng của huyện chưa xử lý “mạnh tay” vấn đề này, gây thất thoát nguồn tài nguyên, làm thay đổi kết cấu, hiện trạng đất.
Hoạt động lấy cát trái phép đang diễn ra ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân). |
Cát, đất bị “tùng xẻo” nhiều nơi
Đầu năm 2017 đến nay, bờ sông An Lão đoạn chảy qua thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) liên tục xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Người dân ở địa phương, cho biết, mỗi ngày trôi qua có hàng chục lượt xe ben Chiến Thắng ra vào đây để lấy cát đưa đi tiêu thụ, song chính quyền xã không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Những ngày đầu tháng 7.2017, chúng tôi ghi nhận tại đây có một tốp chừng 10 người đang dùng xẻng hốt cát lên xe. Trong vòng 30 phút, chúng tôi ghi nhận có 4 lượt xe ben ra vào chở cát. Sau thời gian dài bị tận thu, bờ sông ở đây trở nên lồi lõm, với nhiều hố sâu, vết bánh xe để lại.
Một hộ dân ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân), nói: “Ở đây, họ khai thác cát bằng thủ công là chính. Mỗi ngày có khoảng chừng 2 tốp với chừng 10 người thay phiên nhau dùng xẻng xúc cát lên xe ben. Bình quân mỗi ngày, có tầm 20 lượt xe ben Chiến Thắng và một vài xe công nông xuống bờ sông lấy cát. Cát ở đây lấy đi đâu, làm gì bà con không rõ, nhưng với mật độ khai thác nhiều như hiện nay, nguy cơ lòng sông bị thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, nhất là vào mùa mưa lũ là không nhỏ. Bà con phản ánh lên xã nhiều lần rồi, nhưng chưa được giải quyết”.
Hoạt động lấy cát trái phép đang diễn ra ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân). Trong ảnh: Nhiều người đang xúc cát lên xe ben đưa đi tiêu thụ. |
Ngoài tình trạng khai thác cát, hiện tượng người dân tự ý dùng xe đào, xe ben để “xẻ” đồi, thay đổi hiện trạng, mục đích sử dụng đất để mở rộng vườn để trồng tiêu hoặc xây dựng chuồng trại tại các xã Ân Thạnh, Ân Hữu, Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) cũng đang diễn ra ở nhiều nơi. Trước thực trạng này, UBND huyện Hoài Ân giao Phòng TN-MT huyện phối hợp cùng chính quyền các địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh. Từ tháng 5-6.2017, phòng TN-MT huyện phát hiện, lập biên bản 3 trường hợp khai thác đất để cải tạo mặt bằng trồng cây trái phép. Đó là hộ Nguyễn Thị Mà, ở thôn Hội An, xã Ân Thạnh đã tự ý khai thác 2.000m2 đất đồi để cải tạo mặt bằng; hộ ông Nguyễn Mươi, ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh tự ý khai thác gần 200m2 đất và hộ bà Nguyễn Thị Hồng, trú thôn Phú Văn, xã Ân Hữu cũng ngang nhiên khai thác 200m2 đất đồi để cải tạo mặt bằng để trồng cây.
Ngoài các trường hợp trên, một khu đồi nằm ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ đoạn qua tỉnh lộ 629 cũng bị “móc ruột”. Hiện trường khai thác rộng hàng trăm mét vuông, tạo thành lòng chảo sâu hoắm; ước tính có hàng ngàn mét khối đất đã được di chuyển đi nơi khác.
Tình trạng người dân khai thác đất để mở rộng mặt bằng trồng cây đang diễn ra ở nhiều nơi trong huyện Hoài Ân. Trong ảnh: Một trường hợp khai thác đất ở xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân). |
Cần xử lý kiên quyết
Ông Nguyễn Văn Rô, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Hoài Ân, cho biết, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Kim Sơn hoặc sông An Lão thuộc địa phận xã Ân Mỹ, Ân Đức, Ân Hảo Đông hay thị trấn Tăng Bạt Hổ vẫn còn diễn ra, song quy mô nhỏ lẻ. Các đối tượng thường lợi dụng ngày thứ bảy, hoặc chủ nhật để khai thác. Đối với tình trạng khai thác đất, người dân chủ yếu mở rộng để trồng cây, hoặc xây dựng chuồng trại. Đây là việc làm trái phép, làm thay đổi hiện trạng cũng như sử dụng đất sai mục đích. Xã Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Hữu là các địa phương để xảy ra tình trạng này. Đến nay, hầu hết các trường hợp vi phạm đều được UBND các xã lập biên bản đình chỉ hoạt động, đang xem xét để xử lý vi phạm hành chính.
Cũng theo ông Rô, nạn khai thác cát trái phép ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân), đến nay, Phòng đã nhận được phản ánh của người dân. Để xảy ra việc này, người đứng đầu xã này (bí thư và chủ tịch) là những người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. “Ngoài Ân Mỹ, các xã Ân Đức hay Ân Hảo Đông cũng để xảy ra nạn khai thác cát trái phép. Hiện nay, phòng TN-MT huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép”, ông Rô cho biết thêm.
Một khoảnh đồi ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) bị đục khoét để lất đất. |
Đáng nói hơn, tại xã Ân Mỹ nạn khai thác cát trái phép diễn ra trong thời gian dài, nhưng xã không có biện pháp xử lý. Dư luận ở địa phương, cho rằng, lãnh đạo xã đã dung túng cho hoạt động sai phạm diễn ra. Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, thừa nhận: “Xã đã giao cho Ban nhân dân thôn Mỹ Thành quản lý hoạt động lấy cát ở sông An Lão đoạn chảy qua địa bàn. Nguồn cát thu được ở đây sẽ được thôn giao nộp lại cho xã. Đầu năm 2017 đến nay, thôn đã nộp cho xã 12-13 triệu đồng (!?)”. PV đặt câu hỏi, việc tự ý cho phương tiện lấy cát để tạo nguồn thu cho xã có đúng theo quy định? Ông Hưng, cho biết là sai nếu căn cứ theo Luật Khoáng sản; bởi chưa được tỉnh cấp phép mà đã tự ý khai thác. Nhưng xét về Luật Thuế thì đúng. Vả lại, nếu không thu phí thì cát họ lấy trộm cũng gây thất thoát, lãng phí (!).
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nhận xét, không có đơn vị nào hoặc quy định nào cho phép việc xã Ân Mỹ tự ý cho lấy cát, tạo nguồn thu. Cái này thì vừa qua tiếp xúc xử tri, bà con cũng đã phản ánh, huyện đã tiếp nhận thông tin này. “Tôi quả quyết, việc tự ý lấy cát tạo nguồn thu của xã Ân Mỹ là trái quy định. Huyện sẽ làm việc cụ thể, xử lý kiên quyết chuyện này; đồng thời, sẽ có chỉ đạo chấn chỉnh, siết chặt quản lý khoáng sản ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện”, ông Khúc nói.
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của UBND huyện cùng ngành chức năng của huyện Hoài Ân, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn sẽ được siết chặt, lập lại trật tự, nạn “chảy máu” khoáng sản trong thời gian tới sẽ được ngăn chặn, giảm thiểu.
Hoàng Nguyên