Bảo tồn Loài nguy cấp, quý hiếm: Tương lai mịt mờ
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/07/2017
Chồng chéo quy định
Không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ các loài động thực vật hoang dã khi ban hành nhiều văn bản luật, Nghị định và tham gia nhiều Công ước quốc tế, nhưng giới bảo tồn cho rằng, các văn bản luật của Việt Nam còn thiếu sự liên kết, gây khó hiểu và nhầm lẫn trong quá trình thực thi.
Nghị định 160 được Chính phủ ban hành thời gian gần đây về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất đối với công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH), đồng thời, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy vậy, nhìn nhận từ thực tế cho thấy, một số vụ việc khi trưng cầu giám định mẫu vật của loài động vật là tang vật bị bắt giữ, kết quả không có tên trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Đơn cử, trong danh mục Nghị định 160 chỉ quy định loài tê giác một sừng mới là loài quý hiếm, nguy cấp nhưng thực tế nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển sừng tê giác được giám định là tê giác hai sừng. Nhưng tại Thông tư số 40 ngày 5/9/2013 của Bộ NN&PTNT lại không quy định tê giác 2 sừng hay 1 sừng mà nêu chung chung là “các loài tê giác” nên đã mâu thuẫn với Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP nên khi xử lý với vi phạm về sừng tê giác đã có ý kiến trái chiều.
Quản lý loài nguy cấp, quý hiếm còn nhiều điểm chưa thống nhất |
Điều này dẫn đến cùng một vụ phát hiện vận chuyển sừng tê giác qua đường hàng không nhưng quan điểm xử lý có khác nhau về tê giác 2 sừng và 1 sừng do cách áp dụng văn bản hướng dẫn không thống nhất. Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn quy định việc định lượng, xác định thế nào là số lượng lớn, đặc biệt lớn đối với hàng cấm là sừng tê giác. Một bất cập từ thực tiễn là sản phẩm sừng tê giác, ngà voi tuy có giá trị cực kỳ đắt đỏ trên thị trường nhưng lại không có khung giá trong danh mục để định giá tài sản nên rất khó xử lý hình sự.
Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng liên ngành cần ban hành hướng dẫn riêng về xử lý hành vi liên quan đến buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép để việc áp dụng pháp luật được đồng bộ, thống nhất.
Giảm cả lượng và chất
Trong khi đó, theo Sách đỏ Việt Nam, tổng số các loài động vật, thực vật hoang dã đang bị đe dọa của Việt Nam là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật). Trong đó, một số loài coi như đã tuyệt chủng như: tê giác 2 sừng, tê giác 1 sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà, hai loài lan hài. Giống cây trồng, giống vật nuôi của Việt Nam cũng đang đối mặt với sự suy giảm cả về số luợng và chất lượng.
Nhiều giống cây trồng, vật nuôi quý có giá trị cao về khoa học, bảo tồn và kinh tế đang bị đe dọa nghiêm trọng. Một số giống vật nuôi bản địa bị đe dọa tuyệt chủng cao như: lợn ỉ gộc, lợn ba xuyên, gà hồ... Trên thực tế, số loài bị đe dọa tuyệt chủng có thể còn lớn hơn do danh sách loài được đánh giá mới chỉ là các loài có đủ nguồn thông tin cung cấp.
Có quá nhiều hành động của con người uy hiếp đến các loài động thực vật, dẫn đến cần tiếp tục có những cảnh báo. Gần đây, câu chuyện voi rừng xuất hiện gần khu dân cư ở xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) và xuất hiện ở ấp 4 và ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho thấy, môi trường sống của voi rừng bị tác động dẫn đến có sự xáo trộn.
Hay vụ một con bò tót đực nặng 800 kg đã bị chết tại km 22 tỉnh lộ 674, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 677, lâm phần do Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) quản lý cũng đáng suy ngẫm về công tác bảo tồn.
Phương Anh