Tiếp nhận động vật hoang dã do người dân hiến tặng VQG Hoàng Liên
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 25/06/2017
(TN&MT) - Theo thông tin từ Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) vừa tiếp nhận của người dân tỉnh bạn Điện Biên hiến tặng động vật hoang dã quý hiếm gồm 2 cá thể khỉ đuôi lợn và công an thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) bàn giao 3 cá thể kỳ đà hoa để trung tâm bảo vệ, chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên theo quy định.
Người dân tỉnh Điện Biên hiến tặng khỉ đuôi lợn cho Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa ) thông qua Hạt kiểm lâm thành phố Điện Biên. Ảnh Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) |
Đây là vụ thứ 7 trong 6 tháng đầu năm 2017 Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên tiếp nhận cứu hộ động vật hoang dã , nâng tổng số động vật lên 18 cá thể thuộc 7 loài.
Trong số 2 cá thể khỉ đuôi lợn được người dân tỉnh Điện Biên hiến tặng trong trung tuần tháng 6/2017 thông qua Hạt kiểm lâm thành phố Điện Biên có 1 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca leonia) trọng lượng 10 kg và 1 cá thể khỉ đuôi lợn khác có trọng lượng 20 kg cũng do người dân tụ nguyện hiến tặng thông qua Hạt Kiểm lâm thị xã Mường Lay ( tỉnh Điện Biên) bàn giao cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên chăm sóc, cứu hộ để thả về môi trường tự nhiên.
Theo các nhà khoa học của Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), khỉ đuôi lợn là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nằm trong Phụ lục IIB, Nghị định số: 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Loài này cũng được ghi trong Sách đỏ thế giới IUCN và Sách đỏ Việt Nam. Mức độ đe dọa: Sắp nguy cấp (VU), theo đó mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép loài này đều bị nghiêm cấm.
Khi tiếp nhận 2 cá thể khỉ đuôi lợn do người dân tỉnh Điện Biên hiến tặng cán bộ kỹ thuật Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đều thấy chúng khỏe mạnh. Sau khi kiểm tra, trung tâm thực hiện cách ly, xác định không có mầm bệnh truyền nhiễm và sức khỏe hoàn toàn phục hồi sẽ chuyển ra chuồng nuôi bán hoang dã để có điều kiện sống gần với tự nhiên hơn.
Được biết đây là các cá thể khỉ đầu tiên mà trung tâm tiếp nhận từ đầu năm đến nay, nâng số lượng đàn khỉ hiện có tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên lên 18 cá thể.
Kỳ đà hoa do công an thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên ) bàn giao cho trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng LIên chăm sóc, quản lý. Ảnh Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) |
Hành động tự nguyện giao nộp động vật hoang dã của người dân tỉnh Điện Biên thể hiện công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đơn vị chức năng trong việc chung tay bảo vệ động vật hoang dã đã thực hiện rất tốt trong thời gian vừa qua. Đồng thời cũng khẳng định Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên là một đơn vị tin cậy trong công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang đã và là địa chỉ tiếp nhận cứu hộ động, thực vật không chỉ trên địa bàn tỉnh Lào Cai mà đã được mở rộng ra các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Trước đó, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên - Sa Pa) cũng đã tiếp nhận cứu hộ 3 cá thể kỳ đà hoa do Hạt Kiểm lâm thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) bàn giao để nuôi dưỡng, quản lý trước khi thả về môi trường tự nhiên..
Ba cá thể kỳ đà hoa (Varanus salvator) có tổng trọng lượng 9 kg do Công an thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) tịch thu xử lý vi phạm hành chính bàn giao cho Hạt Kiểm lâm thị xã Mường Lay xử lý theo quy định.
Theo các nhà khoa học , loài kỳ đà hoa là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nằm trong Nhóm IIB, Nghị định số: 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, theo đó mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép khỉ đều bị nghiêm cấm; Phụ lục II, Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp; Sách đỏ thế giới IUCN ghi đây là nhóm có mức rủi ro thấp nhất.
Khi trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên tiếp nhận 3 cá thể kỳ đà hoa kể trên thấy chúng có sức khỏe yếu, chậm chạp. Sau khi kiểm tra, thực hiện cách li, xác định không có mầm bệnh truyền nhiễm và sức khỏe hoàn toàn phục hồi sẽ chuyển ra chuồng nuôi bán hoang dã để có điều kiện sống gần với tự nhiên.
Phạm Ngọc Triển