Cà Mau: Trám lấp 395 giếng khoan không sử dụng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 25/06/2017

(TN&MT) - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau vừa giao cho Công ty TNHH DV Tài nguyên và Môi trường Cà Mau thực hiện Dự án xử lý, trám lấp các giếng khoan không sử dụng trên địa bàn huyện Phú Tân.

Theo đó, sẽ xử lý, trám lấp 395 giếng khoan không không còn sử dụng trên địa bàn 9 xã và thị trấn huyện Phú Tân, thời gian thực hiện đến hết tháng 9/2017. Đầu năm nay, công việc này cũng đã thực hiện xong trên địa bàn huyện Đầm Dơi.

Giếng khoan không còn sử dụng cần được trám lấp nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn làm suy giảm chất lượng đất.
Giếng khoan không còn sử dụng cần được trám lấp nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn làm suy giảm chất lượng đất.

Đây là Dự án trám lấp 946 giếng khoan không còn sử dụng Đầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển được thực hiện từ năm 2016 đến nay.

Trước đó, từ năm 2014, tỉnh Cà Mau cũng đã tiến hành xử lý, trán lấp được 1.578/2.524 giếng hư không sử dụng trên địa bàn 06 địa phương, gồm: Tp. Cà Mau, Trần Văn Thời, Năm Căn, Cái Nước, U Minh, Thới Bình.

Thời gian qua, việc khai thác quá mức tầng nước ngầm ở ĐBSCL và Cà Mau được xem là một trong những tác nhân gây nên tình trạng sụp lún đất mặt, ô hiễm nguồn nước ngầm, dẫn đến xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, nhất từ những vùng giếng khoan hư hỏng, không sử dụng nhưng chưa được xử lý, trám lấp. Hoạt động này của Cà Mau là nhắm ứng phó trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biểng dâng.

Việc khai thác quá mức tầng nước ngầm tại Cà Mau nói riêng đã góp phần làm sụp đất, cùng với nước biển dâng sẽ gây ngập trên diện rộng.
Việc khai thác quá mức tầng nước ngầm tại Cà Mau nói riêng đã góp phần làm sụp đất, cùng với nước biển dâng sẽ gây ngập trên diện rộng.

Trong diễn biến liên quan, theo kết quả điều tra thoái hóa đất thời kỳ đầu được tỉnh công bố vào đầu năm nay tại tỉnh Cà Mau cho thấy, trong tổng diện tích 429.123 ha đất được điều tra thì có đến 317.281 ha đất bị thoái hóa. Trong đó, diện tích bị thoái hóa nặng 186.168ha, chiếm 43,95%, phân bố hầu khắp các huyện và Tp. Cà Mau (trừ huyện Ngọc Hiển). Trong 117.097 ha đất thoái hóa mặn hóa đã có đến 99.739 ha đất mặn hóa ở mức độ nặng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản được điều tra lần này là 223.864ha thì đã có 173.502ha đất bị thoái hóa, trong đó thoái hóa ở mức độ nặng 90.155ha.

Liên quan đến vấn đề này, bên cạnh tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình nhằm ngăn mặn, Cà Mau đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm thời kỳ cuối (2016 - 2020). Theo đó, đến năm 2020 diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tăng thêm 20.424 ha. Diện tích này phần lớn được chuyển sang từ đất trồng lúa kém hiệu quả do xâm nhập mặn là 14.633ha.

Thạch Bình -Thiên Trường