Như Xuân (Thanh Hóa): Rừng lim xanh đang kêu cứu

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/06/2017

(TN&MT)- Có thể do đặc thù về địa lý và thổ nhưỡng, nên chỉ có vùng Như Xuân được xem là thiên đường của loài lim xanh sinh sống. Không những có giá trị về kinh tế rất cao, cây lim xanh còn là nơi trú ngụ cho nhiều loại sinh vật khác như nấm lim xanh là loại thảo dược quý. Gần đây, bằng nhiều hình thức khác nhau loài cây quý hiếm này đã bị chặt hạ do “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất”.

Con đường lên khu rừng lim xanh nếu tính đường chim bay, cách UBND xã Thanh Xuân khoảng 1km, cách Trạm kiểm lâm khoảng 1,5km và cách đường giao thông liên xã khoảng 250m và trước mặt là một hộ dân trồng mía. Thấy chúng tôi lội bộ lên rừng, một người dân đi xe máy theo nói “ Họ cho phá hết rừng rồi, phía sau khu rừng này có khoảng 8ha đã bị phá, gỗ chở về đêm nhiều lắm...”. Theo lời người dân chúng tôi đi về phía rừng bị chặt hạ, những cây gỗ có đường kính khoảng 20- 50 cm nối đuôi nhau chảy từ trên cao xuống khoảng 50m (ước 50m3), phía trên là la liệt những cây lim xanh bị hạ, gốc cây đang rỉ máu, là cây bị héo nhưng vẫn còn màu xanh chưa được đưa xuống đường.

Khoảng 50m gỗ vừa bị khai thác
Khoảng 50m gỗ vừa bị khai thác

Theo một vị Công an xã bật mí thì: “Khu rừng 1,5ha là của gia đình ông Kiên, ông ấy bán cho một nhà buôn gỗ quê ở Triệu Sơn, khu rừng này có trên 50 cây lim xanh,  có 30 cây đường kính từ 26 cm- 70 cm, bị chặt mất 12 cây, chỉ còn 18 cây, còn cây nhỏ thì họ phát băng hết rồi, không đưa vào biên bản”.

Ông Nguyễn Xuân Ái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Xuân cho rằng: Hạt đã làm việc hết sức mình, ngăn chặn kịp thời việc chặt hạ những cây lim xanh cuối cùng trên đất Như Xuân. Sau khi pháp hiện Kiểm lâm đã phối hợp với Công an huyện lập biên bản, yêu cầu chủ rừng để lại 18 cây lím xanh còn lại để bảo tồn nguồn gen. Việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất cụ thể thế nào các anh nên gặp Đoàn quy hoạch lâm nghiệp Thanh Hóa?

Lim xanh bị đốn hạ nằm ngổn ngang
Lim xanh bị đốn hạ nằm ngổn ngang

Ông Phạm Hữu Vĩnh, Giám đốc Trung tâm quy hoạch lâm nghiệp, cơ quan của Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: năm 2017 Như  Xuân có khoảng 400ha rừng nghèo kiệt chuyển sang rừng sản xuất. Quy trình kiểm tra được chia thành ô, mỗi ô 1000m2 để tính số cây và lượng cây để khẳng định đây là loại rừng nào. Nếu dưới 50m3/ha thì được xem là rừng nghèo kiệt...Còn tại lô 2, khoảnh 9, tiểu khu 580 thuộc thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân là đất rừng đã giao cho hộ ông Hà Ngọc Kiên do ông Dương đảm trách kiểm định, nhưng ông ấy đã về hưu sau khi ông ấy hoàn tất hồ sơ “chuyển rừng nghòe kiệt sang rừng sản xuất tại Như Xuân”. (PV) - Tại danh mục kiểm kê cây, lô của hộ ông Kiên không có cây lim nào và ông giải thích vì sao 1,5ha rừng “nghèo kiệt” nhưng hiện tại có khoảng trên 100m3 gồ (trên 50m3 đã khai thác) và  khoảng 50m3 nữa chưa bị chặt hạ, trong đó có 30 cây lim xanh ?. – Ông Vĩnh trả lời “tôi có hỏi anh Dương, nhưng anh ấy bảo hôm ấy có thấy lim xanh nhưng không đưa và ô kiểm tra, ngày mai chúng tôi thành lập đoàn lên kiểm tra lại và báo cáo sau”.

Gốc lim xanh bị đốn hạ đang rỉ máu
Gốc lim xanh bị đốn hạ đang rỉ máu

Theo Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa cho rằng: Lim xanh là loài cây có giá trị kinh tế cao, nhưng phải có thời gian chờ đợi, cây này mọc theo dãi rừng. Tâm lý có làm rừng muốn phá quang để tiện cho việc trồng cây mới, dễ khai thác. Việc chặt phá những cây lim cuối cùng trên đất Như Xuân đã được ngăn chặn, may mà còn 18 cây để duy trì nguồn gen. Song, trách nhiệm này có phần của kiểm lâm sở tại vì nằm trong đoàn kiểm định nhưng không phát hiện ra hàng chục cây lim xanh ở gần dân để có phương án bảo vệ.

Đã đến lúc UBND tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ nguồn gen lim xanh quý hiếm và điều tra làm rõ những tập thể, cá nhân chỉ vì lợi ích trước mắt mà cố tình vi phạm pháp luật

Bài & ảnh: Tuyết Trang- Phạm Ngọc