Thanh Hóa: Gian nan cuộc chiến chống "cát tặc"
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/06/2017
Đuổi theo “cát tặc”
Trong dịp mới gần đây, trở về Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) lại thấy thêm nhiều bãi bồi đã bị “mất tích”, bờ sông ngày càng sạt lở sâu hơn, diện tích hoa màu cũng đang bị thu hẹp dần. Có thời điểm Thiệu Nguyên trở thành điểm nóng của cát tặc. Người người, nhà nhà tham gia chống cát tặc, dân tự lập chòi canh gác, ăn ngủ với sông nước cũng chỉ với mong muốn giữ lại tấc đất canh tác.
Một tàu hút cát trái phép tại sông Chu nơi giáp ranh giữa xã Thiệu Nguyên và xã Thiệu Châu. |
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên thông tin “Hiện đang có một thuyền hút cát trái phép bên bờ sông Chu thuộc địa phận của xã, mời các anh đi cùng cán bộ của xã để khảo sát thực tế tình hình”.
Chúng tôi được ông Thắng giới thiệu gặp anh Nguyễn Văn Thảo – Xã đội trưởng Thiệu Nguyên, kiêm Tổ phó Tổ trực bảo vệ tài nguyên cát của xã. Theo chân anh Thảo ra sông Chu chúng tôi được biết anh Thảo đã gọi cho tổ viên sắp xếp một chiếc thuyền tuần tra bảo vệ cát, để đi tuần tra khảo sát thực tế về việc hút cát trái phép trên sông”.
Một đoạn bờ sông bị sạt lở dài hàng trăm mét, sâu cả chục mét. |
Mới chỉ ra tới bờ đê sông Chu đã nghe rất rõ tiếng tàu hút cất nổ inh ỏi. Vượt qua bụi lau, sậy tới mép sông, chúng tôi đã thấy một chiếc tàu hút cát không biển số đang hút cát trái phép. Cát đang được bơm lên khoang tàu, tiếng máy nổ văng vẳng. Được biết, vị trí mà tàu đang hút cát thuộc địa phận xã Thiệu Nguyên, khu vực đó chưa được cấp phép khai thác.
Thấy có người lạ tới, cát tặc nhanh chóng nhổ neo, cho tàu chạy về hướng xã Thiệu Vận. Anh Thảo dặn dò thêm khi di chuyển trong lúc tác nghiệp phải cẩn thận, nhiều chỗ bờ sông đang sạt lở, nhìn trên là cát nhưng ở dưới rỗng tuếch, chỉ cần sẩy chân là bị sa xuống ngay.
Rất nhanh chóng chỉ 3 phút sau khi chiếc tàu hút cát bỏ chạy, thuyền tuần tra của Tổ bảo vệ tài nguyên cát do anh Hà tổ viên điều khiển đã đến đón chúng tôi bám sát chiếc tàu hút cát. Thấy chiếc thuyền tuần tra bám sát, tàu cát tặc bắt đầu tăng tốc, bỏ chạy rất nhanh.
Hàng chục tàu thuyền đang hút cát trộm tại ngã ba sông Bưởi- sông Mã |
Chỉ khoảng 2 km trên sông Chu, chúng tôi đã bắt gặp hàng chục chiếc thuyền hút cát không số, không biển kiểm soát đang tập trung tại phía bờ sông xã Thiệu Nguyên. Anh Thảo cho hay: “Vị trí này cũng chưa được phép khai thác cát. Thế nhưng, hiện tại họ đang tiến hành bán cát từ thuyền này sang thuyền khác”.
Rời sông Chu, chúng tôi đi về phía các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc; đây được coi như “vựa cát” lớn của Xứ Thanh vì có sông Mã. Ngay từ chân cầu Kiểu, ngược về phía thượng nguồn là mỏ cát số 40 của Công ty Nhất Linh và mỏ cát số 23 của HTX Thành Công, chỉ hơn một năm về trước đây cũng là điểm nóng về nạn khai thác cát trái phép ra ngoài vị trí được cấp phép gây sạt lở, đất đai, hoa màu và nhà cửa của nhiều hộ dân xã Yên Thọ và Vĩnh Ninh. Nhưng sau đó, UBND tỉnh đã đóng cửa mỏ và thu hồi lại 2 mỏ cát trên, đến nay tình hình đã ổn định trở lại.
Việc mua bán cát trái phép được diễn ra ngay trên sông Chu. |
Chúng tôi xuôi về phía hạ nguồn sông Mã, đoạn ngã Ba sông Bưởi xã Vĩnh Khang, Vĩnh Hòa ( Vĩnh Lộc) và xã Yên Thái ( Yên Định), có những thời điểm hàng chục tàu thuyền thi nhau “moi gan, móc ruột” dòng sông bất luận là ngày hay đêm, mưa hay nắng. Nhưng rồi cũng chỉ tạm lắng xuống một thời gian vì có những thời điểm huyện Vĩnh Lộc ra quân làm rất gắt gao, có ngày bắt 6-7 tàu thuyền hút cát trái phép. Thế rồi “cát tặc” lại chuyển sang hút đêm, chính quyền lại thành lập tổ bảo vệ.... Nhiều người am hiểu về cát và cát tặc nơi đây than thở: Không hiểu sao tỉnh lại cấp bãi tập kết và kinh doanh cát cho một công ty không có mỏ cát ngay chân cầu Công xã Vĩnh Hòa không những gây mất an toàn hành lang đê điều, ảnh hưởng đến chân cầu mà câu chuyện cát tặc cũng sẽ không có hồi kết (!?)
Cuộc chiến chống “cát tặc”
Sau khi đi thực tế sông Chu để ghi nhận tình trạng sạt lở đất do việc hút cát gây ra, chúng tôi quay trở lại UBND xã Thiệu Nguyên để tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn trong việc ngăn chặn các tàu hút cát trộm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên bộc bạch: Là xã có trữ lượng cát rất lớn nên chúng tôi hết sức đề cao việc bảo vệ tài nguyên đất nước, chống lại việc khai thác cát trái phép. Hàng năm chúng tôi đã chi một nguồn kinh phí lên đến cả trăm triệu đồng cho việc chống lại nạn cát tặc. Xã Thiệu Nguyên lại giáp ranh xã Thiệu Đô được ngăn cách bởi con sông Chu, trong khi đó lực lượng chức năng lại mỏng, các đối tượng cát tặc đôi khi còn chống đối, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra các đối tượng sẽ bỏ chạy. Từ đầu năm 2017 đên nay, UBND xã đã xử phạt trong thẩm quyền với 03 vụ với số tiền là 13 triệu.
Cát tặc đang hút tại xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc |
Để chống lại nạn khai thác cát trái phép làm sạt lở đất đai hoa màu của người dân, UBND xã Thiệu Nguyên đã cho thành lập Tổ bảo vệ tài nguyên cát với 13 tổ viên là người dân trong xã, trang bị 1 thuyền tuần tra bảo vệ cát trên sông, cho xây dựng 1 chòi canh và 2 trạm quan sát “cát tặc” thay phiên nhau tuần tra bảo vệ bờ sông. Toàn bộ kinh phí hoạt động được trích ra từ nguồn thu của xã – ông Thắng cho biết thêm.
Còn bà Vũ Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cũng nhiều lần khẳng định: Huyện không bao che cho cát tặc lộng hành, thậm chí cả những ngày nghỉ lễ ( 30/4 và 1/5) vừa rồi huyện cũng đã chỉ đạo Công an và các ngành chức năng bắt được 6 tàu hút cát trái phép, phạt hành chính 162 triệu đồng. Tuy nhiên cuộc chiến chống cát tặc gặp nhiều khó khăn vì lực lượng mỏng, phương thức hoạt động của họ tinh vi và biến động thường xuyên. Trong khi lợi nhuận từ khai thác trái phép rất lớn nên cát tặc không từ thủ đoạn nào. Sắp tới huyện sẽ cương quyết đấu tranh không để cát tặc lộng hành, bà Hương khẳng định thêm.
Chính quyền cùng nhân dân xã Thiệu Nguyên lập chòi canh cũng chỉ với mong muốn giữ được tấc đất canh tác. |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Sở dĩ có nhiều địa phương nóng việc cát tặc là vì trước đây tỉnh có cấp một số bãi tập kết và kinh doanh cát nhưng lại không có mỏ nên tình trạng khai thác cát không rõ nguồn gốc vẫn còn. Để chấn chỉnh tình trạng khai thác trái phép, Thanh Hóa chỉ đạo các huyện và các cơ quan chức năng rà soát bến bãi, các mỏ được cấp phép khai thác phải đánh số tàu thuyền khai thác, túc trực an ninh thường xuyên ở các điểm nóng… kiên quyết không cấp bãi tập kết, kinh doanh cát cho các cá nhân, doanh nghiệp không có mỏ
Cát được coi là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, vì thế bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn của các ngành chức năng “cát tặc” vẫn mặc sức hoành hành. Gây sạt lở đất canh tác của người dân, làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia trong khi đó lợi nhuận lại chảy vào túi vào một nhóm lợi ích. Cát tặc vẫn là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bài & ảnh: Tuyết Trang - Thanh Tâm