Đại Lộc - Quảng Nam: Xiết chặt quản lý hoạt động khai thác cát

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/06/2017

(TN&MT) - Trên địa bàn huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) hiện có 18 mỏ cát được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác. Tuy nhiên, đã có 5 mỏ phải dừng hoạt động vì liên quan tới sạt lở.
Quyết định 23/2012- QĐ- UBND (trang 12) ban hành quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không hề đề cập tới thủ tục cấp phép đối với bến thủy nội địa
Quyết định 23/2012- QĐ- UBND (trang 12) ban hành quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không hề đề cập tới thủ tục cấp phép đối với bến thủy nội địa

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Hồ Ngọc Mẫn- Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: UBND huyện Đại Lộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc đình chỉ ngay các bến, bãi tập kết, mua bán cát sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, UBND huyện Đại Lộc đã tiến hành rà soát, kiểm tra lại hoạt động đối với 18 các mỏ cát được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép trên sông Thu Bồn và Vu Gia trên địa bàn huyện Đại Lộc. Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị đều chấp hành nghiêm. Tuy nhiên ngày 4/5/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Quảng Nam đã tiến hành kiểm tra trên địa bàn huyện Đại Lộc về hoạt động khai thác cát phát hiện 8 bến thủy nội địa của địa phương chưa được cấp phép hoạt động, nên đã ra quyết định tạm dừng hoạt động đối với các đơn vị này để chờ hoàn thành xong các thủ tục cấp phép theo quy định. Tuy nhiên, từ trước tới nay, khi các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bến, bãi tập kết cát thì luôn gắn với hoạt động hợp pháp đối với bến thủy nội địa vì bến bãi khi được cấp phép phải phù hợp với bến thủy nội địa, không thể bến tập kết một nơi, bến thủy nội địa một nơi. Đây cũng là một bất cập hiện nay.

Ngoài ra, trong Quyết định 23/2012/QĐ-UBND (trang 12) ban hành quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không hề đề cập tới thủ tục cấp phép đối với bến thủy nội địa mà chỉ hướng dẫn thủ tục cấp phép hoạt động bến bãi. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam mới có Công văn số 605/STNMT-ĐĐ ngày 9/5/2017 về hướng dẫn thủ tục thuê đất cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Hoàng Ân thuê đất để xây dựng bãi chứa vật liệu xây dựng tại xã Đại Phong và Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)
Quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Hoàng Ân thuê đất để xây dựng bãi chứa vật liệu xây dựng tại xã Đại Phong và Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)

Ông Hồ Ngọc Mẫn cũng cho biết: Vừa qua, thông tin trên báo chí có đưa tin về việc Công ty TNHH Hoàng Ân, một trong những đơn vị khai thác cát tại xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) bị đình chỉ bến bãi tập kết cát nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động và cho là có sự “bảo kê” của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp này là một trong 8 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc bị tạm thời đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa theo hướng dẫn mới (Công văn số 605/STNMT-ĐĐ ngày 9/5/2017 UBND tỉnh Quảng Nam), chứ không phải bị đình chỉ hoạt động bến bãi tập kết cát như báo chí đưa tin. Công ty TNHH Hoàng Ân, thực tế đã được cấp phép hoạt động bến bãi theo đúng quy định. Khi có quyết định tạm dừng hoạt động bến thủy nội địa, công ty này cũng đã chấp hành nghiêm và dừng hoạt động khai thác mỏ cho tới nay để chờ cấp phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định. Doanh nghiệp này cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương  cho phép xây dựng bến thủy nội địa thể hiện qua Công văn số 1855/SGTVT-QLHTGT ngày 28/10/2016 và đang chờ cấp phép nên không có chuyện chính quyền “ bảo kê” như báo chí đưa tin.

Phóng viên Báo TN&MT đã có buổi làm việc với chính quyền UBND xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) về việc báo chí thông tin, chính quyền xã Đại Nghĩa bao che sai phạm Công ty Hoàng Ân, ông Nguyễn Nhớ- Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa khẳng định: Chính quyền xã Đại Nghĩa luôn giám sát theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Vụ việc của Công ty Hoàng Ân mà báo chí đưa tin trong thời gian qua nói chính quyền xã “bảo kê” cho doanh nghiệp nghênh ngang vi phạm là oan cho chính quyền địa phương. Xã Đại Nghĩa chỉ có duy nhất 1 mỏ cát được cấp phép,1 bãi tập kết cát đã được cấp phép hoạt động theo đúng quy định cho Công ty Hoàng Ân để phục vụ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của địa phương. Việc tạm thời đình chỉ hoạt động là đối với hoạt động bến thủy nội địa của đơn vị này theo hướng dẫn mới của tỉnh, chứ không phải đình chỉ bến bãi tập kết cát của Công ty Hoàng Ân. Hơn nữa, bến bãi tập kết của Công ty Hoàng Ân nằm cách xa khu dân cư, cũng không phải là địa điểm sạt lở, nên việc Công ty này hoạt động bến bãi là hợp pháp theo đúng giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này.

Bãi tập kết cát của Công ty TNHH Hoàng Ân nằm xa khu dân cư chứ không phải nằm trong khu dân cư đông đúc theo dư luận phản ánh
Bãi tập kết cát của Công ty TNHH Hoàng Ân nằm xa khu dân cư chứ không phải nằm trong khu dân cư đông đúc theo dư luận phản ánh

Chủ trương của huyện Đại Lộc là xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Kiên quyết không gia hạn và cấp mới giấy phép hoạt động khai thác cát trên địa bàn. Sau khi các đơn vị hết hạn khai thác theo giấy phép. UBND huyện sẽ tiến hành sàng lọc, chỉ lựa chọn 4 doanh nghiệp có uy tín, năng lực, làm ăn đàng hoàng, không gây sạt lở bờ, ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng tới việc sản xuất của người dân, để đề nghị UBND tỉnh, tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác cát phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, quy định của UBND huyện bắt buộc tất cả các chủ mỏ phải bổ nhiệm Giám đốc để trực tiếp điều hành hoạt động khai thác mỏ, người này sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quy định hoạt động khai thác của chủ mỏ.

Dương Bùi