TP.HCM: Nhức nhối chuyện lấn chiếm sông rạch, sử dụng đất sai mục đích

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 31/05/2017

(TN&MT) - Từ sự buông lỏng trong quản lý, hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông rạch, thậm chí lấp cả ngàn m2 rạch, sử dụng đất sai mục...

  

(TN&MT) - Từ sự buông lỏng trong quản lý, hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông rạch, thậm chí lấp cả ngàn m2 rạch, sử dụng đất sai mục đích đã phá vỡ quy hoạch khu Nam TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hệ quả xấu khác là xuất hiện tình trạng ngập nước kéo dài mỗi mùa mưa đến khi nước không còn đường thoát về phía Nam.   

Ngay gần UBND quận 7, phía sau Ban Quản lý Khu Nam, chủ đầu tư DA Riviera Point, bơm cát san lấp gần 4.700m2 rạch Cả Cấm.
Ngay gần UBND quận 7, phía sau Ban Quản lý Khu Nam, chủ đầu tư DA Riviera Point, bơm cát san lấp gần 4.700m2 rạch Cả Cấm.

     

Ngay gần UBND quận 7, phía sau Ban Quản lý Khu Nam, cả một đoạn rạch Cả Cấm, cùng một số rạch nhỏ thoát nước có diện tích gần 4.700m2 đã được chủ đầu tư DA nhà cao tầng có tên là Riviera Point, bơm cát san lấp. Dù quy mô chiếm đất của DA này là gần 90.000m2 nhưng sau khi lấp rạch, chủ đầu tư đã quên nghĩa vụ xây dựng hồ điều tiết nước để giảm ngập cho các khu vực xung quanh. Vì vậy, mỗi khi trời mưa, cuộc sống của người dân khu phố 3, phường Tân Phú, quận 7, lại bị đảo lộn vì nước không thoát kịp ra rạch Cả Cấm. 

Nhưng nỗi khổ này của người dân chỉ được ghi nhận tại các buổi tiếp xúc cử tri, còn chủ đầu tư là Công ty TNHH Riviera Point, vẫn vô tư quảng cáo rằng khi hoàn thành DA Riviera Point sẽ là dự án cao nhất tại quận 7, với chiều cao 40 tầng, cung cấp hơn 2.000 căn hộ cao cấp. Chỉ đến khi Thanh tra TP Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra và tháng 1/2016 có kết luận về hàng loạt sai phạm khi Công ty TNHH Riviera Point không thực hiện đúng quy định là tỷ lệ thay thế bằng 1,2 lần diện tích rạch được xem xét cho san lấp, thì nhiều Sở, ngành mới biết rằng thời gian qua tình trạng ngập cục bộ xung quan khu hành chính quận 7 có nguyên nhân là chủ đầu tư quên thực hiện hồ điều tiết. Trong khi đó, điều bất thường là Chủ tịch UBND quận 7 khi ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 của DA Riviera Point cũng đã “quên” hạng mục hồ điều tiết để thay thế các đoạn rạch đã lấp(?).

Trong khi đó, phần lớn hai bên bờ sông ông Lớn thuộc DA khu dân cư Trung Sơn thuộc địa bàn xã Bình Hưng, huyện  Bình Chánh, và phường Tân Hưng, quận 7, đã xuất hiện hàng loạt quán nhậu, nhà trọ lấn chiếm hành lang bảo vệ sông. Phía chân cầu Him Lam (quận 7) là các dãy nhà trọ, bãi đậu xe nằm sát mép sông, nhiều khu vực đất công cộng đang bị san lấp tràn ra mép nước trong sự làm bất lực của chính quyền địa phương.

Từ chân cầu Him Lam (huyện Bình Chánh) kéo dài đến hết khu dân cư Trung Sơn, qua đến khu biệt thự của Cty CP phát triển Nam Sài Gòn, có ít nhất 3 quán nhậu, cùng nhiều công trình có kết cấu kiên cố, bãi tập kết vật liệu, … nằm trọn trong hành lang bảo vệ sông ông Lớn, thuộc quy hoạch đất cây xanh nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý. Nổi cộm nhất là quán nhậu Thùy Dương, Sông Thương, Thuần Việt nằm trọn trong đất cây xanh, vô tư hoạt động, thải nước sinh hoạt xuống sông. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì chủ quán đổ lỗi cho chủ đầu tư là Cty CP Trung Sơn là người cho thuê đất để mở quán nhậu.

Làng ẩm thực Cù lao xanh và bến đậu du thuyền vi phạm hành lang bảo vệ sông rạch tại huyện Nhà Bè.
Làng ẩm thực Cù lao xanh và bến đậu du thuyền vi phạm hành lang bảo vệ sông rạch tại huyện Nhà Bè.


Đối diện khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, phía bên kia rạch ông Kích thuộc địa bàn huyện Nhà Bè là công trình quán nhậu và bãi du thuyền nằm sừng sững như thách thức dư luận. Theo phản ánh của người dân thì quán nhậu có tên là Làng ẩm thực cù lao xanh và bến đậu du thuyền này là của các đại gia mở ra để phục vụ nhu cầu bàn chuyện kinh doanh bất động sản. Còn xuôi xuống hạ nguồn gần cầu rạch đỉa là sân tập golf và một số hạng mục xây dựng nằm trong khu dự án bất động sản của nhiều đại gia vẫn chưa được xử lý đúng quy định.

Phía mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, hàng loạt hạng mục phòng khám, quán nhậu, bãi xe, … vô tư mọc lên trên phần đất hơn 3.900m2 được quy hoạch để xây dựng cao ốc văn phòng, gây ngập cục bộ cho đường vào khu dân cư Him Lam, phát sinh ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh của vợ chồng bà Phạm Thị Lụa, cán bộ hưu trí có nhà tại phường Tân Hưng thì phần lớn diện tích đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng bà theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND quận 7 cấp năm 2000. Đến nay chưa có có cơ quan chức năng nào thu hồi quyền sử dụng đất của vợ chồng bà theo đúng pháp luật, đúng thẩm quyền nhưng tháng 1/2009, giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất này đã được cấp cho Cty CP Him Lam. Khi vợ chồng bà Phạm Thị Lụa khiếu nại thì ngày 7/2/2012, Cty CP Him Lam đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Cty TNHH điện tử Tiến Đạt. Trong khi UBND quận 7 đã ban hành các quyết định thụ lý đơn khiếu nại, sau đó TAND quận 7 đã có văn bản thụ lý vụ án thì ngày 10/5/2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK629294 đã được cấp cho Cty TNHH điện tử Tiến Đạt.

Hàng chục ha đất ven sông, kênh rạch tại 10 phường được UBND quận 7 giao cho các hộ dân quản lý từ tháng 6/2003 đến nay nhưng chưa được kiểm tra kết quả theo quy định.
Hàng chục ha đất ven sông, kênh rạch tại 10 phường được UBND quận 7 giao cho các hộ dân quản lý từ tháng 6/2003 đến nay nhưng chưa được kiểm tra kết quả theo quy định.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý đất ven sông kênh rạch, thời gian qua, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị xử lý sai phạm tại nhưng vụ san lấp rạch Bần Đôn, nhưng chỉ duy nhất ông Hồ Thái Thành, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 7, bị tạm ngừng chức vụ để chờ xử lý, còn nhiều cán bộ khác có liên quan vẫn chưa bị xử lý đúng quy định dù UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo cụ thể. Liên quan đến tình trạng này, dư luận cũng đang lo lắng về chuyện hàng chục ha đất ven sông, kênh rạch tại 10 phường được UBND quận 7 giao cho các hộ dân quản lý từ tháng 6/2003 đến nay đã được thực hiện với kết quả ra sao khi thống kê của Sở Giao thông và Vận tải TP Hồ Chí Minh hàng năm cho thấy quận 7 vẫn là “điểm đen” vi phạm hành lang bảo vệ sông rạch.

Quán nhậu Thuần Việt 1 được xây dựng trên đất cây xanh, đất hành lang bảo vệ sông ông Lớn.
Quán nhậu Thuần Việt 1 được xây dựng trên đất cây xanh, đất hành lang bảo vệ sông ông Lớn.

Thực tế đang xuất hiện tình trạng đất công cộng ven sông kênh rạch tại quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, đã bị nhiều cá nhân dùng nhiều chiêu thức biến hóa thành đất tư nhân bằng các bao chiếm làm quán nhậu, làm nơi thả chó, chăn nuôi heo, làm bãi cát, bãi đổ chất thải.

Theo đánh giá của Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh, các quận huyện thuộc khu Nam, là vùng đất trũng, là nơi thoát nước cho nhiều quận trung tâm. Nhưng tình trạng hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông rạch, thậm chí lấp cả ngàn m2 rạch đã gây ra hiện tượng ngập nước kéo dài làm đảo lộn cuộc sống của người dân mỗi khi trời mưa, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố mang tên Bác.

Bài & ảnh: Lê Hải