Cát xây dựng cung không đủ cầu

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/05/2017

(TN&MT) - Theo nhận định của chuyên gia trong ngành xây dựng, với tốc độ xây dựng như hiện nay, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cát sẽ cạn kiệt.

Nhu cầu sử dụng cát ngày càng cao

Hiện nay, hạ tầng tại các thành phố đang phát triển rất nhanh và mạnh nên nhu cầu sử dụng cát không ngừng tăng cao. Theo thống kê của năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3 năm 2020 phải tăng lên đến 130 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam chỉ ước khoảng 2,3 tỷ m3, đáp ứng 60 - 65% nhu cầu của các thành phố lớn.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, trữ lượng cát trên sông Cửu Long ước tính khoảng 1.000 triệu m³. Theo số liệu chưa đầy đủ, nhu cầu sử dụng cát đến năm 2020 ở ĐBSCL lên tới khoảng 1.000 triệu m³. Nếu khối lượng khai thác khoảng 30 triệu m³/năm, trong khoảng 30 năm nữa ĐBSCL sẽ khai thác hết toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu. Đây là một vấn đề đáng báo động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều công trình đầu mối mọc lên trên thượng nguồn các con sông khiến lượng phù sa, cát sỏi đổ về hạ nguồn ngày càng ít đi, nạn khai thác cát quá mức ngày càng gia tăng, gần đây còn xuất hiện tình trạng nạo vét cát để xuất khẩu.

Nhu cầu sử dụng cát ngày càng cao. Ảnh: Hoàng Minh
Nhu cầu sử dụng cát ngày càng cao. Ảnh: Hoàng Minh

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa đưa ra công bố, từ năm 2016 đến nay, cả nước có hơn 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cát nhiễm mặn theo giấy phép của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có giấy phép nhưng không làm thủ tục xuất khẩu. Đây là các doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét bằng hình thức xã hội hóa. Tuy vậy, các doanh nghiệp được quyền bán toàn bộ cát thu được để bù chi, sau khi nộp các loại chi phí thì được hưởng phần lợi nhuận thu được. Phần lớn các dự án nạo vét tận thu có xuất khẩu cát sang Singapore đều tập trung ở vùng biển miền Trung.

Tìm nguồn thay thế

Do tình trạng cung không đủ cầu nên giải pháp về nguồn vật liệu thay thế cát trong xây dựng đang là vấn đề cấp bách.

Ông Nguyễn Đức Toản, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng ngầm Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều công trình xây dựng, nhất là các công trình giao thông vẫn sử dụng cát nhân tạo nghiền ra từ sỏi, đá nổ mìn. Loại cát này thích hợp để làm bê tông mác (khả năng chịu nén) thấp. Các loại bê tông mác cao, yêu cầu chất lượng cát có kích cỡ đồng đều. Tuy vậy, công nghệ nghiền sàng ngày càng phát triển, do đó chất lượng cát nhân tạo cũng ngày càng cải thiện. Ngoài chất lượng, giá thành cát nhân tạo hiện nay cao hơn cát tự nhiên và đây cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vẫn đổ dồn vào việc sử dụng nguồn cát tự nhiên.

Phân tích về ưu thế của cát nhân tạo, ông Toản cho rằng, giá cát tự nhiên và cát nhân tạo không chênh lệch nhiều, nếu doanh nghiệp không tìm được mỏ cát tự nhiên gần công trình mà phải vận chuyển từ xa đến chi phí để nổ mìn, nghiền đá thành cát nhân tạo sẽ rẻ hơn chi phí mua cát tự nhiên. Cùng với việc sử dụng nguồn cát nghiền từ đá, đã có nhiều nghiên cứu tái chế, tái sử dụng chất thải để làm cát nhân tạo. Đã có doanh nghiệp tái chế thành công xỉ thải tại bãi than Mông Dương, Quảng Ninh thành cát nhân tạo. Việc tái chế này, không những xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường ở bãi thải mà còn tạo ra loại vật liệu mới, tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng, theo Luật Thuế Tài nguyên, đất khai thác san lấp, xây dựng công trình chịu thuế từ 3% - 10% giá bán, cát chịu thuế từ 5% - 15% giá bán là quá thấp nên không ngăn chặn được việc khai thác cát tràn lan.

Bên cạnh đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng. Vì thế, để hạn chế nạn cấp phép khai thác cát ồ ạt cũng như đảm bảo tính hiệu quả cho các giải pháp phục hồi và bảo vệ môi trường, cần đề xuất về việc tăng phí, thuế đối với nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt này.

Phạm Thu Hà