Lợi dụng làm đường giao thông nông thôn, khai thác đất trái phép
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 25/04/2017
Có mặt tại xã Hợp Thắng, phóng viên đã chứng kiến hàng loạt xe tải lớn đang nối đuôi nhau chạy từ điểm lấy đất ra phía ngoài, sau đó chở đi nhiều hướng bán cho những điểm có nhu cầu. Được biết, đây là công trình đường từ 514 đi Trại Dừa (hay là đường nối từ thôn 2 đi thôn 4). Chính quyền xã cùng doanh nghiệp tư nhân tận thu nguồn tài nguyên này.
Một lượng đất lớn đã được múc đi để phục vụ “dự án”. |
Trong vai là một người có nhu cầu hỏi mua đất và được cánh tài xế chia sẻ, phóng viên được biết nếu lấy đất loại đẹp thì giá múc tại mỏ từ 30 nghìn đến 35 nghìn /1m3. Sau một vài lần hỏi han, chúng tôi cũng tiếp cận được chủ mỏ đất, khi được hỏi về quy trình hoạt động của mỏ thì người này chỉ nói qua loa. Sau đó lấy lý do là xin giấy phép làm đường để phục vụ cho dự án nông thôn mới. Qua quan sát chúng tôi thấy, hầu như tất cả các phương tiện ở đây khi rời khỏi mỏ đều được cánh tài xế chở đi hướng thành phố.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng ngày có tới hàng trăm lượt xe vào ra chở đất rời khỏi địa phương nhưng không vấp phải sự phản ứng nào từ chính quyền nơi đây. Điều lạ là khu vực đồi này lại nằm gần trụ sở UBND xã, 3 máy xúc đang hoạt động ầm ầm. Hằng ngày cán bộ đều tận mắt chứng kiến cảnh xe tải vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường nhưng không có biện pháp xử lý.
Một góc khác máy xúc cũng đang hoạt động. |
Chị Nguyễn thị Q, người dân sống tại đây cho biết: Việc khai thác và vận chuyển diễn ra suốt ngày, bụi bặm và được tiến hành vào buổi sáng và trưa, nhằm tránh cơ quan chức năng đi tuần tra.
Ông Lê Đình Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hợp Thắng khẳng định vị trí mà phóng viên đang phản ánh là mỏ đất của công ty Việt Lào. Chỉ tới khi chúng tôi đưa ra hình ảnh cụ thể, ông Sỹ mới thừa nhận địa phương cho công ty Việt Anh vào khai thác đất để hạ thấp độ cao làm đường nối từ thôn 2 đi thôn 4. Lượng đất thừa xã đang tận dụng để đắp lề đường bê tông.
Xe tải trọng tải lớn sao có thể chở vào đường bê tông đổ lề đường như vị chủ tịch xã nói. |
Khi chúng tôi yêu cầu được tiếp cận hồ sơ dự án, để xem phương án thi công lượng đất thừa được đổ đi đâu, ông Sỹ cho biết vì dự án làm từ đời chủ tịch cũ nên tôi không có hồ sơ. Sau đó ông đẩy trách nhiệm cho phía công ty.
Theo thông tin của phóng viên, các xe chở đất đều có trọng tải lớn không thể vào đường bê tông đổ lề đường như ông Sỹ nói. Khi tìm hiểu qua một số lái xe chở đất thì họ cho biết: “Chúng tôi đến đây mua lại đất của doanh nghiệp, sau đó mang đi tiêu thụ ở một số điểm trên địa bàn huyện và chở đi thành phố chứ có chở đất làm gì cho xã đâu!”.
Trao đổi qua điện thoại với ông Lê Phú Quốc – Trưởng phòng TN&MT huyện Triệu Sơn cho biết: Hiện tại xã Hợp Thắng có xin chủ trương làm đường liên thôn, phòng cũng giao trách nhiệm cho xã phải quản lý chặt, không để vận chuyển đất ra ngoài?!
Thiết nghĩ, nếu ở địa phương nào cũng tự ý làm theo cách này, tài nguyên sẽ chẳng mấy mà bị “móc ruột” để phục vụ lợi ích cá nhân.
Bài và ảnh: Thanh Tâm