Phú Quốc: Chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2017

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 10/04/2017

(TN&MT) - Nắng nóng và khô hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích rừng trên huyện đảo Phú Quốc có nguy cơ cháy cao. Để đảm bảo an toàn cho những diện tích rừng Quốc gia và rừng phòng hộ, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, các chủ rừng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm nay.

Liên tục trong những ngày gần đây, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm thấp đã khiến hơn 36.453 hec ta rừng trên địa bàn huyện đỏa Phú Quốc đang trong mức báo động cháy từ cấp 3 trở lên; trong đó, diện tích Rừng Vườn Quốc gia có diện tích 29.596 ha. Ngoài ra vùng đệm có diện tích 6.122 ha có hiện trạng rừng tự nhiên đan xen với rừng trồng và đất nông nghiệp.

Ban Phòng chống cháy kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng của các chủ rừng; diễm tập phương án phòng chống cháy rừng.
Ban Phòng chống cháy kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng của các chủ rừng; diễm tập phương án phòng chống cháy rừng.

Các con suối vào mùa khô đều cạn kiệt nước, địa hình đồi núi có độ dốc lớn từ 15-30o có nơi 45o, các tuyến đường tiếp cận khu vực cháy khó khăn, có nơi chưa có đường xe vào chỉ cơ động bằng đường mòn bộ, do đó khi có cháy xảy ra rất khó triển khai lực lượng dập tắt kịp thời.

Trên địa bàn huyện Phú Quốc, phần lớn người dân ở các xã, thị trấn sống giáp ranh với rừng chủ yếu là đánh bắt hải sản và dịch vụ, một bộ phận làm nông nghiệp trồng tiêu, trồng cây ăn trái, do đó sinh hoạt hàng ngày của người dân có phần tác động tới rừng. Diện tích vùng đệm hiện nay nhân dân sinh sống, sản xuất canh tác ổn định. Tuy nhiên, phạm vi vùng đệm vẫn còn một số diện tích đất lâm nghiệp còn rừng và đất canh tác của dân tiếp giáp với rừng nên vào mùa khô người dân thường đốt rẫy để canh tác nên dễ xảy ra cháy rừng.

Ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết: “Vườn Quốc gia Phú Quốc có địa hình đồi núi hiểm trở và phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, khe suối, độ dốc liên hoàn, núi cao và một số xã đảo nằm xa trung tâm của huyện, dân cư sống thành từng cụm ven rừng thường đốt đồng cỏ để chăn thả gia súc, hiện trạng đồng cỏ xen lẫn với rừng, hệ thực bì (lá và cành nhánh rụng) dầy vào mùa khô, nguồn nước các sông, suối bị cạn kiệt rất khó khăn cho việc quản lý, cơ động lực lượng, phương tiện chữa cháy. Nhận thức về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của một số địa phương còn nhiều chủ quan, mất cảnh giác. Từ đó khi có cháy xảy ra huy động lực lượng và nhân dân còn chậm, vẫn còn hiện tượng xem công tác phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của cấp huyện và ngành Lâm nghiệp nói chung” ông Tiệp cho biết.

Công tác phòng cháy chữa cháy mùa khô năm 2017 đã được Hạt Kiểm Lâm và các chủ rừng trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc chủ động thực hiện công tác phòng cháy rừng. Tuy nhiên việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với Vườn Quốc gia Phú Quốc do diện tích rộng và có địa hình khá phức tạp, đồi núi hiểm trở, một số xã đảo nằm xa trung tâm huyện, Phú Quốc có khí hậu ẩm quanh năm, nhiệt độ trung bình 25 - 27oC, có hai mùa khô và mùa mưa rõ rệt.

Theo ông Huỳnh Long Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc: “Vẫn còn một số người dân sử dụng lửa trong các hoạt động canh tác đốt dọn rẫy còn chủ quan thiếu cảnh giác gây cháy lan các đồng cỏ. Mặt khác, ở một số xã nhiều nơi dân cư (kể cả dân cư tự do) sống không thành cụm mà rải rác, đan xen trong ven rừng, một số lượng lớn hộ dân sinh sống, canh tác nông nghiệp tiếp giáp với rừng. Ngoài ra có nhiều tuyến đường giao thông chính nối liền các xã xuyên qua rừng và một số tuyến đường mòn, đường dân sinh liên xóm, ấp, là nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng trong các tháng mùa khô mà ta khó kiểm soát”.

Qua các mùa khô gần đây cho thấy thời tiết hàng năm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán, mùa mưa chấm dứt sớm, nắng hạn kéo dài, hầu hết các suối đều cạn kiệt nước, lượng nước ngầm giảm sút, có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao và trên diện rộng rất khó kiểm soát, nhất là hệ sinh thái rừng tràm, rừng nhum, rừng chồi, đồng tranh cây bụi, rừng tái sinh sau nương rẫy.

Để chủ động tốt các tình huống khi có cháy xảy ra và ứng cứu kịp thời, do đó việc xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng là hết sức cần thiết để sẵn sàng đối phó có hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra và hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra.

Mùa khô hiện đang vào cao điểm và gay gắt, khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng vẫn còn ở phía trước. Do vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở đảo ngọc Phú Quốc rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, địa phương và cả của người dân.

 Giang Sơn