Bình Định: Lợi dụng cải tạo đồng ruộng để lấy đất sét đem bán

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 07/04/2017

(TN&MT) - Thời gian qua tình hình khai thác khoáng sản (đất, cát, đá) trái phép trên địa bàn huyện Phù Cát và một số địa phương trong tỉnh Bình Định đang có...

 

(TN&MT) - Thời gian qua tình hình khai thác khoáng sản (đất, cát, đá) trái phép trên địa bàn huyện Phù Cát và một số địa phương trong tỉnh Bình Định đang có chiều hướng gia tăng. Song, trách nhiệm quản lý, kiểm tra từ chính quyền các địa phương còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết, vừa gây thoát thoát nguồn tài nguyên vừa tác động tiêu cực đến môi trường. Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

Ông Huỳnh Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định
Ông Huỳnh Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định

- Gần đây, tình trạng khai thác đất, cát, đá trái phép trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

+ Đúng là thời gian qua hoạt động khai thác khoáng sản đá, đất, cát,… trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn biến khá phức tạp. Để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. Có thể đơn cử như tình trạng khai thác đất sét ở các huyện Tây Sơn, Phù Cát; tình trạng khai thác đá ở khu vực núi Hòn Chà (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn); khai thác cát trái phép trên sông Côn, sông Hà Thanh, sông La Tinh, nhất là địa bàn các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Vân Canh, Tây Sơn. Trước tình hình này, Sở TN-MT đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và phòng TN-MT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhu cầu về vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện rất lớn; trong khi các loại vật liệu như đất, cát khan hiếm dần; để xử lý dứt điểm tình trạng trên là vấn đề không đơn giản.

Tôi nghĩ việc cần làm ngay lúc này là khi phát hiện hoạt động khai thác bất hợp pháp diễn ra, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ với ngành chức năng để xử lý. Thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của các cơ quan ban ngành có liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được quy định trong Luật Khoáng sản, Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về lĩnh vực này. Sở TN-MT cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ nghiêm túc thực thi Luật Khoáng sản, Luật Đất Đai và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. 

Việc lạm dụng chủ trương cải tạo đồng ruộng để lấy đất làm mất đi tính năng giữ nước. Trong ảnh: “Cải tạo” đồng ruộng ở khu Đồng Gai, thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát).
Việc lạm dụng chủ trương cải tạo đồng ruộng để lấy đất làm mất đi tính năng giữ nước. Trong ảnh: “Cải tạo” đồng ruộng ở khu Đồng Gai, thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát).

- Tình trạng lợi dụng chủ trương cải tạo đồng ruộng để khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Tôi cho rằng việc cải tạo đồng ruộng kết hợp thu hồi đất sét ở những cánh đồng có độ chênh cao đảm bảo cung ứng nước tưới tiêu là cần thiết. Tuy vậy, hiện nay một vài địa phương có hiện tượng lợi dụng chủ trương cải tạo đồng ruộng để hợp đồng với đơn vị thực hiện lấy đất đem bán đang có chiều hướng gia tăng. Thực tế này cho thấy, khâu quản lý, kiểm tra từ cấp cơ sở còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết. Với chức năng quản lý về mặt Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tới đây, Sở TN-MT Bình Định sẽ chỉ đạo Phòng Tài nguyên khoáng sản, Thanh tra Sở TN-MT thành lập Tổ công tác kiểm tra, xử lý kiên quyết nếu phát hiện có sai phạm. Chẳng hạn như ở xã Cát Trinh, Cát Lâm (Phù Cát), tôi đã yêu cầu Phòng Tài nguyên khoáng sản khẩn trương làm việc với chính quyền địa phương, rà soát toàn bộ quy trình cải tạo đồng ruộng ở khu Đồng Gai, xã Cát Trinh, hiện tượng khai thác đất trái phép ở thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm. Khi kiểm tra, tôi yêu cầu bộ phận chuyên môn phải lưu ý đến hồ sơ đăng ký khối lượng đất vận chuyển, thời gian thực hiện, mục đích sử dụng đất, phương án cải tạo,… Trường hợp phát hiện sai sót, Tổ kiểm tra cần lập biên bản đình chỉ; sau đó, rà soát quy trình thực hiện, làm rõ trách nhiệm người liên quan, báo cáo Giám đốc Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh Bình Định để có hướng chỉ đạo xử lý kịp thời. 

Lợi dụng phương án cải tạo đồng ruộng ở khu Đồng Gai, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) để khai thác đất làm đất sét.
Lợi dụng phương án cải tạo đồng ruộng ở khu Đồng Gai, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) để khai thác đất làm đất sét.

- Việc lạm dụng cải tạo đồng ruộng để lại những hậu quả gì, thưa ông?

+ Như tôi đã nói ở trên, cải tạo đồng ruộng nhằm hạ độ cao để tạo điều kiện cho nông dân canh tác là chủ trương phù hợp. Song, nếu lạm dụng việc cải tạo đồng ruộng, rồi lấy hết lớp đất sét sẽ làm suy giảm chất lượng của đất trồng lúa. Bởi, tầng đất sét bên dưới là tầng giữ nước. Cho nên, việc cải tạo mãi tầng đất này, chức năng giữ nước của vùng đất đó sẽ không còn. Nước đưa vào ruộng bao nhiêu sẽ thấm hết toàn bộ, chất lượng của đất màu trên đó sẽ không còn như trước nữa và ảnh hưởng rất xấu đến sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Điều 34 NĐ 142/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. Cụ thể phạt từ 6-10 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác; 10-20 triệu đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.

3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó. Cụ thể, phạt 50-70 triệu đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho dự án, công trình khác; 70-100 triệu đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản nhưng không sử dụng để xây dựng công trình của hộ gia đình, cá nhân hoặc xây dựng công trình của tổ chức đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.

Hoàng Nguyên (thực hiện)