Quảng Ngãi: Áp lực kiểm soát nước thải ven biển
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/04/2017
Nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát đang gây áp lực đối với môi trường ven biển |
Báo động đỏ
Từ nhiều năm nay cảng cá Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường ven biển. Trung bình mỗi ngày có hàng chục tàu cá cập cảng để bán hải sản đánh bắt cho các cơ sở chế biến. Điều đáng nói, thay vì các cơ sở chế biến hải sản thu mua, chuyển hải sản về cơ sở để sơ chế và chế biến thì các những cơ sở này thực hiện luôn công việc sơ chế tại chỗ. Và dĩ nhiên nước rửa, nội tạng… đều đổ xuống biển. Đi từ đầu cảng đến cuối cảng một mùi tanh hôi xộc lên mũi.
Ông Trần Em- Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, dù địa phương đã quy định rõ ràng về địa điểm và khu vực sơ chế, chế biến hải sản cũng như yêu cầu các cơ sở chế biến xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, nếu hộ nào không làm đúng theo cam kết môi trường sẽ thanh tra, kiểm tra và xử lý, song do ý thức của một bộ phận người dân và chủ cơ các cơ sở chế biến chưa tốt, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở Cảng cá Sa Huỳnh vẫn còn diễn ra.
Ngoài ra, nước thải trực tiếp từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát của người dân cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm toàn tỉnh. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, hiện trên địa bàn có khoảng 500ha nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm) phân bố ở vùng ven biển từ Bình Sơn đến Mộ Đức. Đây là nguồn nước thải có lưu lượng lớn, nồng độ các chất ô nhiễm cao. Tuy nhiên, hầu hết các vùng nuôi đều không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra môi trường biển hoặc cửa sông. Tỷ lệ thu gom và có hệ thống xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa đến 10%. Và cứ 500ha nuôi tôm trên cát, nuôi tôm vùng triều sẽ xả thải ra môi trường gần 1 triệu m3 nước thải trong một vụ.
Hoạt động khai thác, đánh bắt của hơn 5.500 tàu cá trên biển cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, do quá trình rò rỉ dầu và những sự cố môi trường trong hoạt động giao thông vận tải biển. Trong 8 năm (từ 2007 – 2014), vùng biển Quảng Ngãi đã phải gánh chịu 6 sự cố tràn dầu trên biển...
Ngoài nước thải từ các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường biển còn đang chịu ảnh hưởng bởi lượng nước thải đến từ các khu dân cư ven biển. Sự gia tăng dân số khu vực ven biển, đã và đang là bài toán khó, tạo áp lực ngày càng lớn cho môi trường ven bờ. Bởi tại nhiều xã ven biển, người dân lắp đặt ống hoặc đào mương dẫn nước thải xả thẳng ra biển.
Cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển |
Quản lý chặt
Nguồn nước ven biển ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân. Theo ước tính con số thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng bởi ô nhiễm nguồn nước, cá chết hàng loạt. Mới đây, hàng nghìn con cá bớp nuôi tự phát của 32 hộ dân thôn Sơn Trà, xã Bình Đông bị chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho người nuôi. Bà con đang nghi ngờ môi trường nước bị ô nhiễm vì rác thải, chất thải tràn lan... Và đây không phải là lần đầu tiên, trước đó, hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè ở Sa Huỳnh, Bình Đông… đã lâm vào cảnh khốn đốn vì cá chết hàng loạt nghi do ô nhiễm nguồn nước.
Trước tình trạng nuôi trồng thủy sản tràn lan, nhằm hạn chế thiệt hại, nguy cơ lây truyền dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nguồn nước. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã có công văn, yêu cầu các xã, thị trấn có người nuôi trồng thủy sản tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, không nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã quy định.
Ông Cao Văn Cảnh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết: "Để có thể giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn nước thải, tỉnh cần phải xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu vực nuôi tôm tập trung như Mộ Đức, Đức Phổ; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trước khi xả thải ra môi trường.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện thủy nội địa về việc lưu thông, neo đậu, an toàn trang thiết bị và con người. Nhất là các tàu chở dầu khi vào các cảng trên, tuyến bắt buộc phải có đủ các giấy chứng nhận an toàn theo quy định và phải có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự với ô nhiễm dầu...
Đối với các cơ sở chế biến hải sản, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, xử phạt để xử lý dứt diểm tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển.
Bài & ảnh:Võ Hà