Hội thảo khoa học "Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải – giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững"

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 21/03/2017

(TN&MT) - Ngày 21/3/2017, tại TP.Bắc Ninh, được sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học “Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải – giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững”. Đây là một trong ba hoạt động chính trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2017.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường chủ trì Hội thảo.

Tái sử dụng nước thải - giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững
Tái sử dụng nước thải - giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững

Tham dự Hội thảo có nguyên lãnh đạo Bộ TN&MT cùng lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; đại diện Lãnh đạo các tỉnh và các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh Bắc Ninh; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam...

Hội thảo trở thành diễn đàn để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu liên quan đến quản lý, xử lý và tái sử dụng nước thải an toàn, góp phần vào công tác bảo vệ tài nguyên nước.

Tại Hội thảo, 10 bài trình bày, báo cáo của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề do ô nhiễm nước thải gây ra cho môi trường và cộng đồng cũng như những tồn tại trong công tác quản lý nước thải ở Việt Nam, phản ánh đa dạng các góc nhìn, quan điểm về quản lý, xử lý nước thải. Trong đó, đáng chú ý là tham luận của đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước về “Pháp luật tài nguyên nước về bảo vệ nguồn nước và quản lý hoạt động xả nước thải”; đại diện Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia bàn về “Nguy cơ ô nhiễm tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị Việt Nam từ các nguồn thải và giải pháp bảo vệ”; đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh giới thiệu về “Công tác quản lý nước thải trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”…

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), cũng như một số nước trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với thách thức hết sức gay cấn về tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt các nguồn nước, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị, nơi hầu hết hệ thống sông ngòi, hồ ao đều bị ô nhiễm. Đây là một trong những vấn đề nóng gây tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, phát triển và bảo vệ môi trường xuất phát từ nước thải.

Hơn 80% nước thải ở Việt Nam thải ra môi trường chưa qua xử lý
Hơn 80% nước thải ở Việt Nam thải ra môi trường chưa qua xử lý

Hiện nay, các sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm. Hiện tượng ô nhiễm chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu các lưu vực sông, nhiều khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp hiện tương ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tại các con sông tăng cao vào mùa khô khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Chất lượng nước suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như: BOD, COD, NH4, N, P cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000 m3 /ngày) và công nghiệp (khoảng 240.000 m3 /ngày) không được xử lý đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng Châu Thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất như các lò mổ và ngay cả bệnh viện (khoảng 7.000 m3 mỗi ngày, chỉ 30% là được xử lý) cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải.

Hiện nay nguồn nước dưới đất ở nước ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như bị nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác... Việc khai thác quá mức và không có quy hoạch đã làm cho mực nước dưới đất bị hạ thấp, đặc biệt là ở các khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Khai thác nước quá mức cũng sẽ dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển. Nhiều tổ chức, cá nhân nhân khoan khai thác nước dưới đất không thực hiện việc trám lấp giếng không sử dụng theo quy định gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất nguồn nước ngầm. Ngoài ra, nước dưới đất còn bị ô nhiễm do việc chôn lấp gia súc, gia cầm bị dịch bệnh không đúng quy cách.

Ngày Nước thế giới 2017 với chủ đề “Nước thải” hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả. Bởi hiện nay toàn cầu, hơn 80% nước thải xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý và không được tái sử dụng. Nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một địa phương, quốc gia nào mà đã trở thành vấn đề lớn trên toàn cầu.

Nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề môi trường, những năm qua tỉnh Bắc Ninh cũng đã tiến hành nhiều giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Về quản lý tài nguyên nước, Bắc Ninh thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất và nước mặt; quy hoạch, điều tra chi tiết về tài nguyên nước đối với từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng lên bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp thiết thực như tái sử dụng nước, lắp đặt các trạm quan trắc online đối với các khu công nghiệp có lưu lượng nước thải lớn, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung, tăng cường khai thác, sử dụng nước mặt, hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất … Nhờ đó, tình hình thoát nước và xử lý nước thải ở đây đã được cải thiện, môi trường của các đô thị trong tỉnh ngày càng sạch đẹp, hướng tới đô thị xanh.

Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh công nghiệp, có nhiều làng nghề truyền thống, kinh tế phát triển nhanh, Bắc Ninh là địa phương có nguồn nước thải đa dạng và chịu các thách thức về nguồn nước. Vấn đề tái sử dụng nước thải, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm nguồn nước và môi trường đang trở thành thách thức cần sớm được giải quyết trong tiến trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thông qua hội thảo này sẽ có nhiều sáng kiến được đưa ra gắn liền với thực tiễn cuộc sống, các biện pháp, giải pháp trong hoạt động quản lý nhằm góp phần tích cực trong việc bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng cạn kiệt và suy thoái nguồn nước hiện nay.

Xuân Phương - Khải Minh