Điện Biên: Sai phạm sử dụng đất nông nghiệp
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/03/2017
Khu đất dọc Quốc lộ 279 khu C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên trước kia là đất thùng vũng do dự án thi công đường Quốc lộ 279 (đường hữu nghị Việt Trung) đã lấy đất làm nền đường. Sau đó, khu đất này không nằm trong diện tích giao theo nhân khẩu. Từ năm 1988 - 1992, một số hộ gia đình đến cải tạo, phục hóa đất trồng khoai bon, rau lấp và cấy lúa. Các hộ khi đến có dựng lều tạm, nhà tre để tiện trông coi vườn canh tác. Tuy vậy, từ thời điểm đó đến nay, đã có khoảng 126 hộ đang sử dụng đất tại khu vực này (do các hộ mua bán đất không kê khai nên không thống kê được chính xác số hộ sử dụng). Trong đó, có 53 trường hợp đã dựng nhà kiên cố và nhà tạm, còn lại đa số các hộ đã đổ đất san nền cao hơn hẳn mặt ruộng cấy lúa từ 30 - 50cm
Vợ chồng ông Phạm Văn Dưỡng và bà Ngô Thị Lan chuyển ra dựng chòi và làm nhà tre tại khu C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên từ những năm 1985. Ông Dưỡng trước đây ông là công nhân Công ty Cơ giới Nông nghiệp Điện Biên. Sau khi lập gia đình, khó khăn về kinh tế cộng với đồng lương công nhân ít ỏi, nên vợ chồng ông Dưỡng đã bỏ công sức ra đổ đất đá san lấp và cải tạo khu đất thùng vũng. Đầu tiên gia đình ông Dưỡng trồng khoai, rau màu và dựng nhà tre để tiện trông coi. Đến năm 1990, khi có thêm con cái, vợ chồng ông Dưỡng phá đi làm nhà gỗ để tránh mưa, tránh gió và tiện chăm sóc con cái.
Nhà kiên cố được xây lên trên đất màu xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên |
Ông Dưỡng cho biết: “Cùng thời điểm ra khu đất này với nhà tôi, còn có khoảng hơn 20 gia đình khác cũng ra cải tạo đất, trồng trọt tăng gia thêm. Và kể từ đó, các gia đình đều nghiêm chỉnh chấp hành việc chính quyền địa phương đến yêu cầu nộp thuế nhà đất. Theo thời gian, kinh tế gia đình tôi có khá giả hơn nên xây ngôi nhà 3 tầng để ở cho yên tâm. Cả đời tích góp để làm được ngôi nhà thật không dễ dàng. Chỉ mong Nhà nước xem xét cấp cho chúng tôi “sổ đỏ” để yên tâm định cư, sinh sống. Còn nếu phải dỡ bỏ chuyển đi chỗ khác, chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào...!”
Còn khu đất bãi màu xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, có nguồn gốc là đất 5% trong tổng số diện tích đất nông nghiệp của UBND xã Thanh Hưng quản lý. Từ năm 1997, UBND xã Thanh Hưng đã thực hiện giao khoán diện tích trên cho các hộ gia đình đấu thầu, thông qua bản hợp đồng thời hạn 20 năm và cho phép làm nhà cấp IV. Tuy vậy, thời điểm từ khoảng năm 2006 đến nay, xã Thanh Hưng phát hiện có 116/151 trường hợp đang sử dụng đất đã dựng nhà trái phép tại bãi màu giao khoán.
Gia đình chị Dương Thị Thắm, do được chuyển nhượng hợp đồng giao đất từ 1 hộ khác nên về canh tác tại bãi màu xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên từ năm 2003 đến nay. Chị Thắm cho biết: Khi chị chuyển đến, bãi màu này đã hình thành khu dân cư đông đúc. Hầu hết các gia đình đều xây nhà kiên cố và các công trình phụ. Chị Thắm lập gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng. Thấy mọi người làm nên chị cũng xây ngôi nhà 2 tầng để ở.
Ông Nguyễn Ngọc Ngấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng dãi bày: Thời điểm hết tháng 2/2017, vừa tròn 20 năm, xã Thanh Hưng phải làm bản thanh lý hợp đồng khu đất bãi màu. Nhưng thực tế để thu lại “mặt bằng sạch” cho tái đấu thầu là rất khó. Người dân đã định cư, sinh sống thành thôn xóm, xây nhà san sát nhau. Để thực hiện cưỡng chế thu lại mặt bằng, sẽ gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Xảy ra việc như vậy, trách nhiệm một phần thuộc về chính quyền xã khi chưa siết chặt công tác quản lý đất đai. Chính quyền xã Thanh Hưng rất mong các cấp có thẩm quyền sớm đưa ra quyết sách để giải quyết vụ việc, tránh gây ra những bất ổn về an ninh xã hội.
Đứng trên phương diện của UBND huyện Điện Biên cũng rất khó để có thể tổ chức phá rỡ, cưỡng chế những trường hợp vi phạm như đã nêu ở trên. Bởi người dân khu vực bãi màu xã Thanh Hưng và khu đất dọc Quốc lộ 279 xã Thanh Xương đã hình thành khu quần cư, làng bản sống tập trung đông đúc, phát triển kinh tế. Nếu thực hiện điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị tại các khu vực này. Song không vì thế mà chính quyền bỏ mặc cho các công trình vi phạm ngang nhiên tồn tại.
Trên thực tế, cả khu bãi màu xã Thanh Hưng và khu vực dọc Quốc lộ 279, địa phận C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đều đã nằm trong quy hoạch sử dùng đất giai đoạn (2015 – 2020), quy hoạch vào mục đích đất ở tại nông thôn, phê duyệt tại Quyết định số 730/QĐ-UBND, ngày 30/5/2016 của UBND huyện Điện Biên.
Đề xuất phương án giải quyết, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Với các trường hợp vi phạm tại khu bãi màu xã Thanh Hưng, UBND huyện Điện Biên cùng với UBND xã Thanh Hưng, xem xét, kiểm tra, rà soát, cấp “sổ đỏ” có thu tiền sử dụng, theo Điều 23, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính Phủ, cấp “sổ đỏ”, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền.
Với các trường hợp vi phạm tại khu vực dọc đường Quốc lộ 279, xem xét cấp “sổ đỏ” cho những trường hợp đã có nhà ở theo Điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, xử lý, cấp “sổ đỏ”, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, có thu tiền sử dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tự ý lấn chiếm.
Ngoài ra, những trường hợp chưa có nhà ở, xem xét cấp đất theo hiện trạng sử dụng đất và chỉ xét cấp “sổ đỏ” cho những trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014. Như vậy, những trường hợp vi phạm sau ngày 1/7/2014, sẽ không được cấp “sổ đỏ”, mà sẽ tiến hành thu hồi và tổ chức đấu giá.
Trước đó, UBND huyện Điện Biên đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, xã Thanh Xương tiến hành đo đạc và kiểm đếm lại diện tích khu đất C9, dọc Quốc lộ 279 và báo cáo UBND tỉnh Điện Biên, xin chủ trương, giải quyết theo hướng đề xuất của huyện Điện Biên.
Đã đến lúc, UBND tỉnh Điện Biên cần vào cuộc, chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh Điện Biên và các phòng ban chuyên môn của huyện Điện Biên cần nhanh chúng tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, đưa ra quyết sách mạnh mẽ, chủ trương, giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm vụ việc nói trên, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Nam Hương