Sơn La: Dành hơn 144ha đất phát triển 8 cụm công nghiệp
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 28/02/2017
Ảnh minh họa |
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành quyết định 3184/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025.
Theo đó, dự kiến, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 5 cụm công nghiệp và phấn đấu hoàn thành đầu tư hạ tầng của ít nhất 03 cụm công nghiệp. Đến năm 2025 có 8 cụm công nghiệp và hoàn thành đầu tư hạ tầng của ít nhất 6 cụm công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của 4 cụm công nghiệp đang hoạt động đến năm 2020 đạt 80 ÷ 85% và các cụm công nghiệp mới triển khai đạt 40 ÷ 50%; năm 2025, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp đã thành lập đạt 75 ÷ 80%.
Tổng nhu cầu quỹ đất phát triển cụm công nghiệp đến năm 2025 là 144,57 ha, gồm: Cụm công nghiệp Thành phố (18ha); Cụm công nghiệp Mộc Châu (hơn 38ha); Cụm công nghiệp Gia Phù – Phù Yên (38ha); Cụm công nghiệp Quang Huy, huyện Phù Yên (5ha); Cụm công nghiệp Mường La (15,4ha); Cụm công nghiệp Phổng Lái, huyện Thuận Châu (5ha); Cụm công nghiệp Tông Cọ, huyện Thuận Châu (5ha); Cụm công nghiệp Quỳnh Nhai (20ha). Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp khoảng hơn 700 tỷ đồng.
Các ngành nghề thu hút vào cụm công nghiệp chủ yếu là sản xuất sản phẩm cơ khí; công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng; thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản thực phẩm. Không khuyến khích các ngành nghề công nghiệp chế biến có lượng phát thải dạng lỏng cao ra môi trường như chế biến tinh bột ngô, sắn, dong, riềng...
Bên cạnh đó, loại bỏ khỏi quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đối với 20 cụm đã được quy hoạch từ năm 2009, gồm cụm công nghiệp Cò Nòi; cụm công nghiệp làng nghề gốm Mường Chanh huyện Mai Sơn; cụm công nghiệp tiểu khu Vườn Đào, huyện Mộc Châu; cụm công nghiệp Loóng Luông huyện Vân Hồ...
Để thực hiện việc quy hoạch cụm công nghiệp, tỉnh Sơn La đề ra nhiều giải pháp về lập quy hoạch; quản lý nhà nước về cụm công nghiệp; giải pháp đảm bảo vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực địa phương...
Đặc biệt, trong quá trình phát triển cụm công nghiệp, Sơn La tập trung tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động làm việc tại cụm công nghiệp. Bố trí nhân lực được đào tạo chuyên môn về môi trường, tăng cường năng lực, nâng cao trách nhiệm: quản lý, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường của chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động bảo vệ môi trường của các đơn vị trực thuộc địa phương có cụm công nghiệp.
Triển khai thực hiện hoạt động thu gom, xử lý chất thải nói chung với trọng tâm là ưu tiên xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp để giảm thiểu tác động và nguy cơ gây ô nhiễm, ngăn chặn ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí. Các chất thải nguy hại phát sinh tại cụm công nghiệp phải được thu gom, bảo quản đúng quy trình và đưa đi xử lý theo quy định.
Riêng các cụm công nghiệp có danh mục các dự án công nghiệp kêu gọi, thu hút, đăng ký đầu tư mà không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì không cần thiết phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và mục đích sản xuất công nghiệp cho các cụm công nghiệp. Thẩm định cấp chứng nhận sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất… đối với các doanh nghiệp đầu tư trong cụm công nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra xác định mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương để phân loại và xác định thứ tự trước sau phải di dời các cơ sở sản xuất đang hoạt động tại khu vực dân cư vào các cụm công nghiệp.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với các Sở ngành liên quan lập đề án về xử lý môi trường tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy trong khu, cụm công nghiệp.
Nguyễn Nga