Quảng Ngãi: Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 28/02/2017
Nhiều mỏ cát, mặc dù đã khai thác hết ranh giới và đến độ sâu cấp phép nhưng không hiểu sao trữ lượng mỏ vẫn còn |
Để đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nề nếp, đảm bảo thực hiện đúng chính sách pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lập Đề cương và dự toán kinh phí “Khảo sát, lập và thi công Đề án thăm dò địa chất các mỏ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh”, gửi Sở Tài chính thẩm tra, trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở để triển khai thăm dò địa chất theo quy định.
Tổ chức thăm dò địa chất các mỏ cát, sỏi lòng sông theo Đề án được duyệt và phải thực hiện theo hình thức cuốn chiếu: việc thi công thăm dò địa chất cho từng vị trí mỏ cát phải tiến hành đồng thời với việc lập Báo cáo kết quả thăm dò, tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng, làm cơ sở để xây dựng giá khởi điểm, xác định bước giá, tiền đặt trước và tổ chức phiên đấu giá (không đợi thăm dò xong các mỏ mới trình phê duyệt một lần), đảm bảo đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Về công tác cải tạo, phục hồi môi trường và tình trạng sử dụng đất tại các mỏ khoáng sản hết thời hạn khai thác theo giấy phép được cấp: tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 587/UBND-NNTN ngày 08/02/2017.
Đối với các mỏ đất làm vật liệu san lấp đã hết thời hạn khai thác theo giấy phép đã cấp nhưng chưa khai thác hoặc khai thác chưa hết trữ lượng cấp phép thì kiểm tra, rà soát, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác, tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác theo quy định.
Ngoài ra, các mỏ đất làm vật liệu san lấp đã khai thác hết khối lượng mỏ nhưng chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố và UBND các xã nơi có mỏ khoáng sản khai thác lựa chọn phương án cải tạo, phục hồi môi trường phù hợp với tình hình sử dụng đất tại địa phương.
Tình hình thực tế trước giờ, đại đa số các chủ mỏ thực hiện khai thác vượt trữ lượng, quá ranh giới mỏ, vượt độ sâu cấp phép, cũng như đối với các mỏ cát sau mùa mưa lũ thì cát trở lại như ban đầu, mặc dừ đơn vị đã khai thác đến độ sâu cấp phép. Để chấn chỉnh tình trạng khai báo không trung thực sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản khai thác và xác định trữ lượng khai thác hàng năm tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh; trong thời gian chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, theo dõi các tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác thực hiện lập sổ sách, chứng từ, tài liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế và lưu trữ sổ sách, chứng từ, tài liệu liên quan đến hoạt động khai thác theo đúng quy định.
Hướng dẫn UBND các huyện lập hồ sơ khoanh định các điểm bồi tụ cát, sỏi lòng sông; các điểm khai thác đá chẻ thủ công không nằm trong quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của tỉnh; tổ chức kiểm tra thực địa, có ý kiến tham mưu việc bàn giao cho UBND cấp huyện tổ chức đấu giá, quản lý cấp phép khai thác theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5736/UBND-NNTN ngày 12/10/2016.
UBND các huyện, thành phố chủ động tăng cường việc kiểm tra khai thác khoáng sản, công tác bảo vệ, cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Tại các địa phương, người đúng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng khác thác khoáng sản trái phép trên địa bàn của mình.
Bài & ảnh: Võ Hà