Kiểm tra thực hiện pháp luật TNMT biển, hải đảo tại Quảng Ninh, Hải Phòng: Phát hiện nhiều "lỗ hổng"

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 16/02/2017

(TN&MT) - Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ TN&MT về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo phối hợp với các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các đơn vị liên quan tổ chức đoàn công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo tại vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, qua đó, đã có nhiều phát hiện quan trọng trong công tác thực thi pháp luật TNMT biển, hải đảo.

Văn bản chồng chéo, quy chuẩn thiếu

Qua kiểm tra thực thi pháp luật TNMT biển, hải đảo tại các khu vực ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh cho thấy, hiện văn bản pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường còn nhiều chỗ chồng chéo chức năng nhiệm vụ, dẫn đến việc thực thi rất khó khăn. Ví như có việc chồng chéo trong thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ trong Quy định giao khu vực biển. Theo Nghị định 51/2014/NĐ-CP không điều chỉnh được đối tượng mặt nước nuôi trồng thủy sản trên biển (trước đây chủ yếu giao đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản) gây khó khăn cho cả ngành TN&MT cùng ngành NN&PTNT trong công tác quản lý, giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Chức năng quản lý các khu bảo tồn biển và đa dạng sinh học cũng được giao đồng thời cho  ngành NN&PTNT và ngành TN&MT.

Việc xác định cấp phép xả thải cũng đang chưa rõ ràng khi Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước trong đó có quy định “cấp phép xả nước thải vào nguồn nước với quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên”, trong khi Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường lại quy định hoạt động xả nước thải công nghiệp từ 5.000m3/ngày đêm trở lên và nước thải sinh hoạt từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên.

Trong khi đó, Quy chuẩn môi trường đối với nước thải công nghiệp hiện đang được áp dụng cho tất cả các loại hình nước thải từ các hoạt động sản xuất khác nhau, từ quy mô vài m3 đến hàng triệu m3 một ngày đêm cũng như nhau. Thực tế, một nhà máy nhiệt điện công suất 1.200MW mỗi ngày xả ra biển khoảng 4 triệu m3 nước làm mát bình ngưng. Việc xả nước thải làm mát với khối lượng lớn như vậy đã làm thay đổi môi trường nước biển ven bờ với một số chỉ tiêu đặc trưng tăng cao như: nhiệt độ, COD, Clorua (theo kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ khu vực các nhà máy nhiệt điện cho kết quả COD lên đến 18 - 20 mg/l, hàm lượng Clorua lên đến 14.000 - 17.000 mg/l), tuy vậy, các chỉ tiêu COD và Clorua không được quy định trong QCVN 10-MT:2015/BTNMT và trong QCVN 40:2011/BTNMT.

Mặt khác, cũng giống các địa phương có biển, hiện ranh giới trên biển giữa tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng đang cùng công bố đường địa giới với vị trí khác nhau (khu vực Vịnh Hạ Long), chồng lấn trên phạm vi rộng từ 4 - 6 km, kéo dài từ cửa Lạch Huyện ra khu vực quần đảo Long Châu. Trong nội tỉnh cũng chưa có ranh giới biển rõ ràng đối với cấp huyện và cấp xã, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Thiếu phối hợp kiểm tra, doanh nghiệp thực hiện “chiếu lệ”

Tuy Luật TNMT biển, hải đảo đã được áp dụng thực thi trên tinh thần quản lý tổng hợp, thống nhất biển, hải đảo, song, trên thực tế, công tác quản lý biển và hải đảo của các tỉnh hiện nay còn đa ngành (như vùng biển Vịnh Hạ Long có tới 14 ngành, địa phương cùng khai thác và quản lý…). Trong khi đó, các ngành vẫn đang tập trung vào khai thác là chính chưa chú trọng tới công tác bảo tồn và khai thác hợp lý nhằm phát triển bền vững tài nguyên biển đặc biệt là lợi ích ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị của tỉnh còn hạn chế như việc phối hợp đồn biên phòng, công an với các địa phương, chính quyền còn chưa đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát chưa sát chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức, việc xử lý vi phạm về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển còn chưa nghiêm, chưa triệt để; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong phát hiện, xử lý vi phạm về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển còn chậm.

Chính vì vậy, qua kiểm tra cho thấy, không ít doanh nghiệp chưa thực hiện công tác bảo vệ môi trường một cách tích cực, còn hình thức và làm “lấy lệ”. báo cáo kiểm tra cho thấy, có 3/7, Công ty được kiểm tra chưa thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường, cụ thể: Khu du lịch sinh thái Áng Bù Nâu 2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nguyễn Hoàng, Khu du lịch sinh thái đảo Cát Ông. Chỉ có 3/7 đơn vị đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định. Tuy vậy, qua kiểm tra kho chứa chất thải nguy hại, các chất thải nguy hại chưa được phân loại đánh mã số, quy cách của kho chưa theo quy định (kho chứa chất lỏng nguy hại chưa có gờ xung quanh để chống tràn chất lỏng). Trong đó, có Công ty TNHH Vinpearl Hạ Long đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải với 1 đơn vị thu gom vận chuyển chất thải nguy hại, song đơn vị thu gom vận chuyển chưa đáp ứng được yêu cầu về vận chuyển xử lý các loại chất thải nguy hại, công ty này cũng  chưa kiểm tra đủ các điểm quan trắc theo báo cáo ĐTM. Với Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin, tại thời điểm kiểm tra kho chứa chất thải nguy hại chưa có biển hiệu cảnh báo, chưa được phân loại và chưa được đánh mã số theo quy định...

Qua kết quả phối hợp hoạt động giữa lực lượng Cảnh sát biển với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho thấy, những phát hiện của Đoàn công tác rất quan trọng, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Qua kiểm tra đã đánh giá được thực trạng công tác bảo vệ môi trường biển và việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường biển của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên biển, ven biển và hải đảo nhằm kịp thời chấn chỉnh nhắc nhở, xử lý, đề nghị các cơ quan xử lý các vi phạm trong quản lý khai thác sử dụng tài nguyên biển.

Kim Liên