Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Giấy phép hết hạn, DN Hồng Phượng vẫn ngang nhiên khai thác?
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/02/2017
Theo Quyết định số 15/GP-UBND ngày 14/1/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất, tại Điều 1: Cho phép Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phượng được khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, với diện tích mỏ 27.532 m2. Trữ lượng mỏ được khai thác 30.000 m3 với công suất khai thác 15.000 m3/năm, thời hạn khai thác 2 năm kể từ ngày ký giấy phép.
Mặc dù giấy phép khai thác đã hết hạn nhưng DN Hồng Phượng vần đưa máy móc vào khai thác |
Tại điều 2 cũng nêu rõ: Trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn vật liệu nổ; phải có các biện pháp phòng, chống sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan trong khai thác mỏ. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, giấy phép khai thác khoáng sản của DN Hồng Phượng đã hết hạn nhưng DN vẫn ngang nhiên khai thác đá trái phép. Không những thế, trong quá trình khai thác của DN đã không thực hiện đúng quy trình khai thác đảm bảo an toàn, mà đơn vị đã phá bỏ nguyên tắc cơ bản trong khai thác đá, không mở đường, cắt tầng lên đỉnh, khai thác không đúng thiết kế để lại nhiều đá om, đá treo rất nguy hiểm cho công nhân làm việc tại mỏ đá.
Doanh nghiệp cho rằng đang "tận thu" đá thừa để sản xuất |
Có mặt tại núi Cánh Chim mỏ đá của DN Hồng Phượng ở khu phố 10, phường Ba Đình. Tại đây mọi hoạt động khai thác chế biến đá vẫn được diễn ra bình thường. Khu vực núi đá DN khai thác dựng đứng, nhiều đá om, đá treo lơ lửng. Phía chân núi là máy xúc, công nhân, xe cộ đang làm việc hết công suất. Tại điểm máy xay nghiền đá không được phun tưới nước, bụi bay mù mịt cả một vùng trời gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Quản lý mỏ đá của DN Hồng Phượng cho biết: “Hiện tại Doanh nghiệp đã dừng khai thác, phía chân núi là công nhân đang tận thu đá. Còn khu vực xay nghiền đá bụi là do mấy hôm nay mất nước nên doanh nghiệp không có nước để phun tưới?”.
Xe vào ăn hàng do không được tưới nước nên bụi mịt mù |
Tại đây đơn vị vẫn khai thác đá từ dưới lên trên, điều này cho thấy đơn vị đã giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, rút ngắn thời gian để lại tiềm ẩn nguy cơ khó lường về tại nạn lao động. Khi khai thác phía dưới mỏ đá bị mất chân, liên kết giữa các khối đá yếu, các tầng đá ở trên có thể dễ dàng đổ gãy, gây nguy hiểm đối với những người đang làm việc ở chân núi.
Việc DN khai thác đá không đúng quy trình kỹ thuật, người lao động phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn bất kỳ lúc nào. Ngoài nguy cơ đá rơi, thì bụi, tiếng ồn, bột đá từ chế biến đá, khoan đá là những sản phẩm nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
Xe vào ăn hàng do không được tưới nước nên bụi mịt mù |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử qua điện thoại, Ông Mai Quang Bính Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã Bỉm Sơn cho biết: Hiện tại, Doanh nghiệp Hồng Phượng đã có giấy phép gia hạn. Nhưng Đại diện Phòng khoáng sản- Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa lại khẳng định: Doanh nghiệp Hồng Phượng đã hết hạn giấy phép khai thác, hồ sơ đang trình UBND tỉnh để cấp giấy phép khai thác.
Tùng Minh