Ứng phó với rủi ro ô nhiễm nước ngầm khu vực Tây Bắc

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 07/02/2017

(TN&MT) - Khu vực Tây Bắc  với đặc điểm có độ karst hóa mạnh (sự hình thành các dòng ngầm, khe nứt lớn, hang, hốc phát triển) trong các tầng chứa nước tại đây, các chất ô nhiễm có thể lan tỏa nhanh với khoảng cách xa. Trong khi đó, theo điều tra, tại nhiều khu vực tập trung đông dân cư ở khu vực Tây Bắc (như thành phố Lai Châu và các khu vực phụ cận) đã và đang đối mặt với vấn đề khan hiếm nước, ô nhiễm nguồn nước do khai thác, sử dụng nước ngầm trực tiếp mà chưa có các quan trắc, giám sát đầy đủ về chất lượng... tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn khi nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm.
Huy động các nguồn lực đầu tư công trình nước sạch cho người dân. Ảnh: MH
Huy động các nguồn lực đầu tư công trình nước sạch cho người dân. Ảnh: MH

Để xác định nguyên nhân gây khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước dưới đất, đồng thời, đề xuất các giải pháp cung cấp và bảo vệ nước dưới đất cho bà con khu vực Tây Bắc sống trong vùng karst các nhà nghiên cứu khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học nhằm ứng phó với những nguy cơ gây ra vấn đề ô nhiễm nước ngầm khu vực này.

Sau 2 năm tiến hành điều tra khảo sát thực tế, các nhà khoa học đã nghiên cứu và bổ sung khu vực này vào hiện trạng khan hiếm và ô nhiễm nước tại Việt Nam. Đồng thời, xây dựng bản đồ phân vùng khan hiếm nước khu vực thị xã Lai Châu và vùng phụ cận dựa vào tiêu chí xác định lưu lượng nước cung cấp theo đầu người/ngày để dựa vào đó quy hoạch hoạt động khai thác nước ngầm. Theo đó, khu vực khan hiếm nước dưới đất là  khu vực Lan Nhị Thàng; Khu vực ít khan hiếm hơn là tại Mường Sơ; Khu vực không khan hiếm thuộc địa phận thị xã Lai Châu.

Đặc biệt, theo kết quả phân tích mẫu, hiện trạng ô nhiễm nước dưới đất vùng nghiên cứu (chủ yếu là ô nhiễm Ecoli) và xác định nguyên nhân gây ô nhiễm cho vùng nghiên cứu đó là do rác thải sinh hoạt của con người và rác thải của các hoạt động công nghiệp chưa được thu gom và xử lý đúng cách; còn nhiều hoạt động công nghiệp có xả thải chưa được quản lý chặt chẽ. Để quản lý rủi ro ô nhiễm nguồn nước ngầm, các nhà khoa học cũng đã đề xuất cần khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước dưới đất như tăng cường khai thác các nguồn xuất lộ tự nhiên (trạm bơm Vàng Bó, trạm bơm Quyết Tiến, trạm bơm Quyết Thắng). Sử dụng giải pháp giếng khoan đứng áp dụng cho các khu vực Mường So, Pa So. Xây dựng các hồ treo chứa nước áp dụng cho khu vực cao nguyên Lan Nhị Thàng, nơi có địa hình cao, xâm thực địa phương thấp, nguồn cung cấp chủ yếu là nước mưa.

Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất khu vực thị xã Lai Châu và vùng phụ cận một cách hữu hiệu, cần có định hướng quy hoạch khai thác nước dưới đất nhằm đảm bảo lấy được lượng nước ổn định theo thời gian cả về lượng và về chất, đồng thời, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường với phương thức khai thác thích hợp. Tăng cường tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường tới từng hộ dân; phân loại rác thải (rác hữu cơ, rác vô cơ; rác tái chế...) để có thể xử lý triệt để cũng như tái sử dụng rác thải. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc xả nước thải tại nơi phân bố miền cung cấp cho nước dưới đất tại khu vực Hang Cống Nước, Sì Làn Chải, Tô Y Phin, xã Nùng Nàng và đặc biệt là khu vực Nậm Lỏong nơi có nguồn thu nước của toàn thị xã Lai Châu....

Để tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nước dưới đất của vùng nghiên cứu có thể nhanh chóng được khắc phục, các nhà khoa học còn kiến nghị các cơ quan quản lý cần huy động các nguồn lực có thể để đầu tư cho cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn vùng khan hiếm nước như nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tự có của nhân dân, nguồn vốn 135, 134, vốn của các tổ chức phi chính phủ, ngồn vốn hỗ trợ của nước ngoài.  Xác định nội dung ưu tiên cấp thiết hiện nay là cấp nước đầy đủ cho bà con khu vực khan hiếm nước, làm động lực  giúp họ xóa đói giảm nghèo cho các khu vực miền núi, địa hình phức tạp, địa hình chủ yếu là núi đá, địa hình chênh lệch về cao độ rất lớn, sông suối, đồi núi chia cắt khu tưới thành từng khu nhỏ độc lập, diện tích canh tác manh mún và phân tán, đất trồng trọt đã bị thoái hoá nhiều. Đồng thời, tiến hành huy động các thôn, bản xây dựng các lò, bể xử lý rác thải sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng là bảo vệ nguồn nước ngầm cho tương lai.

Minh Thư