Biên giới Việt - Lào và chuyện những người phân giới cắm mốc
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 24/01/2017
Kỹ thuật phân giới cắm mốc Việt Nam - Lào xác định vị trí mốc 597 |
Cần có đường biên giới chung hòa bình, ổn định
Theo ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc Bộ TN&MT: Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi có chung đường biên giới với chiều dài 2.337,459 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Điểm khởi đầu là giao điểm ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc và điểm kết thúc là giao điểm ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Thực hiện Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào năm 1977, trong giai đoạn 1978 - 1987 hai nước đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa với 199 vị trí/214 cột mốc. Kết quả này đã được ghi nhận tại Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định và Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc toàn bộ đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 24/1/1986 và Nghị định thư bổ sung ký ngày 16/10/1987. Từ năm 1997 - 2003, hai bên đã hoàn thành việc lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 bằng công nghệ số và giải quyết toàn bộ các khu vực tồn đọng sau phân giới, cắm mốc trước kia.
Tuy vậy, sau gần 20 năm, hệ thống mốc quốc giới của 199 vị trí mốc chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý biên giới, mật độ vị trí mốc quá thưa, chất lượng và độ bền vững của hệ thống mốc không cao, nhiều mốc đã xuống cấp nghiêm trọng. Để khắc phục những khiếm khuyết trên, năm 2005 lãnh đạo 2 nước đã quyết định triển khai Dự án “Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào” với 3 nội dung chính là: Tăng dày mốc ở những khu vực cần thiết để làm rõ đường biên giới trên thực địa; tôn tạo và xây dựng các mốc hiện có, nhất là các mốc ở cửa khẩu để đảm bảo kiên cố, khang trang hiện đại; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào.
Sau 3 năm chuẩn bị, công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam - Lào đã chính thức khởi động từ tháng 5/2008. Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ hai nước và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, sự phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hữu quan của hai bên, đến tháng 7/2013 hai bên đã hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc trên thực địa với 905 vị trí tương ứng với 1.002 mốc và cọc dấu biên giới trên toàn tuyến. Từ tháng 8/2013 đến hết năm 2015, hai bên tập trung hoàn chỉnh việc thể hiện kết quả cắm mốc lên bản đồ, biên tập chế in bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào để đính kèm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào; hoàn thiện 1.002 hồ sơ mốc, cọc dấu biên giới, mô tả Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào và hoàn thiện các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào.
Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam nhấn mạnh: Với việc hoàn thành Dự án, đường biên giới quốc gia giữa hai nước dài 2.337,459 km đã được bổ sung và cắm mới 1.002 cột mốc và cọc dấu, tăng gấp 4,5 lần so với trước đây. Dự án không chỉ mang lại một diện mạo mới, dễ nhận biết hơn, dễ quản lý hơn cho đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào mà còn góp phần xây dựng nên cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc hợp tác và phối hợp giữa hai bên trong vấn đề bảo vệ và quản lý biên giới lãnh thổ. Đây còn là cơ hội cho việc hợp tác phát triển qua biên giới, đặc biệt là việc giao lưu hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch cho các tỉnh biên giới giữa hai nước.
Những hy sinh thầm lặng
Có lẽ trong chúng ta ít ai hiểu được rằng, để có đường biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, ổn định như hiện nay, những cán bộ làm công tác phân giới cắm mốc của Trung tâm Biên giới và Địa giới - Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã trải qua nhiều gian khổ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Tiến Dũng (Giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới) cho biết: Để triển khai việc cắm mốc trên thực địa theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ hai nước, Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc Bộ TN&MT chỉ đạo Trung tâm Biên giới và Địa giới cử gần 100 cán bộ kỹ thuật cùng thiết bị máy móc giúp 10 tỉnh có đường biên giới với Lào tham gia Đội cắm mốc liên hợp với vai trò phụ trách kỹ thuật của phía Việt Nam và cùng với cán bộ kỹ thuật phía bạn Lào tổ chức khảo sát, đo đạc cắm mốc trên toàn tuyến biên giới. Công việc ấy đòi hỏi mỗi cán bộ kỹ thuật phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật cao, có lòng nhiệt huyết trong bảo vệ lãnh thổ quốc gia, có sự hiểu biết về pháp lý và ngoại giao. Có thể nói cán bộ kỹ thuật là người quyết định đến độ chính xác của vị trí mốc và hướng đi của đường biên giới, là người trực tiếp đàm phán với bạn Lào trên thực địa trong việc xử lý giải quyết vướng mắc về vị trí mốc giới, là người giúp cho hai bên đẩy nhanh tiến độ cắm mốc, góp phần vào sự thành công của việc cắm mốc trên thực địa.
Việc đi khảo sát xác định vị trí mốc trên thực địa, hướng dẫn và giám sát các địa phương cắm mốc đúng vị trí, đúng hướng đường biên giới, đo tọa độ và độ cao mốc, lập biên bản và hồ sơ cắm mốc là công việc đầy gian khổ. 5 tháng cắm mốc là cả hành trình đầy gian khổ mà cán bộ kỹ thuật phải “trèo đèo, lội suối”, “vượt núi, băng ngàn” để hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới) dù nhiều năm làm công tác PGCM, chẳng lạ với địa hình núi rừng nhưng khi tham gia khảo sát mốc 536 khu vực Quảng Bình và Khăm Muộn (tuyến biên giới Việt – Lào) đã không khỏi “chồn chân, mỏi gối” bởi địa hình núi rừng hiểm trở ngoài sự mường tượng của ông.
Kể về những kỷ niệm không thể nào quên ấy, ông Nguyễn Văn Sơn nói: Trên đường tới vị trí cắm mốc, có những đoạn đường, các thành viên trong đoàn chúng tôi phải bám 2 chân, 2 tay vào vách đá. Cứ thế, từng người nối nhau, tay luồn theo vách núi đá vôi cực kỳ khó khăn. Thêm vào đó, đường đi vừa dốc vừa nhỏ hẹp. Đường đến mốc chủ yếu là đường tự tạo, vừa đi vừa phát quang cây rừng để tìm đường. Khi gần tới nơi dò trên bản đồ, chiếc GPS báo chỉ còn 300m nữa nhưng cả đoàn loay hoay không biết cách nào tới được. Bốn bề là núi rừng thăm thẳm, xung quanh toàn núi đá phong hóa vừa bám tay vào lại tuột ra. Cuối cùng, với quyết tâm cao độ, chúng tôi cũng đã đi đến được vị trí mốc trên đoạn đường khoảng 300m trong vòng 3 - 4 giờ.
Dù công việc cắm mốc vô cùng khó khăn nhưng theo ông Phạm Tiến Dũng, những cán bộ kỹ thuật vẫn không nản lòng, quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Họ luôn xác định đây là nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng và Nhà nước đã đặt lên vai nên dù có khó khăn gian khổ đến đâu vẫn cố gắng vượt qua, để lại cho muôn đời sau một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định mãi mãi giữa hai quốc gia láng giềng Việt Nam - Lào.
Với những nỗ lực không mệt mỏi và quyết tâm cao, không ngại khó, ngại khổ của các đội cắm mốc hai nước Việt – Lào, đường biên giới hữu nghị giữa hai nước đã hình thành, mở ra một hướng phát triển kinh tế xã hội nhiều triển vọng và tăng tình đoàn kết vốn có giữa hai dân tộc.
Trong bài phát biểu tại Lễ tổng kết cấp Nhà nước việc hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định: Việc hoàn thành thắng lợi toàn bộ dự án đã góp phần hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào cả về pháp lý và thực tiễn, từ nay, giữa hai nước chúng ta đã có một đường biên giới hết sức rõ ràng được ghi nhận rất chi tiết trong các văn kiện pháp lý và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa. Thành quả này không những tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ đường biên giới mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch của các địa phương và nhân dân vùng biên giới, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới.
Minh Phương - Thúy Hằng