Bình Dương: Tăng cường quản lý đất nông, lâm trường quốc doanh

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 04/01/2017

(TN&MT) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa...

 

(TN&MT) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, các nhân khác sử dụng. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt là tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường.

Đến nay, các tổ chức sử dụng đất tại các nông lâm trường đã chủ động thực hiện xong công tác đo đạc, cấm mốc xác định ranh giới, lập bản đồ địa chính và 04/05 tổ chức đã lập thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 10.420 ha, chiếm tỷ lệ 88%; quản lý, sử dụng đất đúng mục đích gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp.

Qua đó, góp phần sử dụng đất đai có hiệu quả, gia tăng nâng suất và hình thành vùng sản xuất nông, lâm tập trung, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất tại các nông lâm trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; tình trạng lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai vẫn còn diễn ra.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh đi vào nề nếp, chặt chẽ, hiệu quả và hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu:

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình UBND tỉnh Bình Dương hồ sơ của UBND cấp huyện xin thu hồi và giao đất có nguồn gốc của các Công ty nông, lâm nghiệp cho địa phương quản lý, sử dụng; yêu cầu các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc của các công ty nông, lâm nghiệp lập thủ tục giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình xử lý đối với diện tích ngoài quy hoạch 03 loại rừng bàn giao về cho UBND cấp huyện quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, xác định những diện tích đất, rừng phòng hộ xung yếu; quy hoạch, đưa diện tích đất, rừng bỏ hoang chưa sử dụng hợp lý trước đây, chuyển sang rừng sản xuất để phát huy hiệu quả kinh tế; đảm bảo lực lượng và kinh phí để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

Hàng năm, các sở, ban, ngành liên quan lập báo cáo theo lĩnh vực phụ trách gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình UBND tỉnh Bình Dương báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh. Đồng thời, đề xuất khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong việc quản lý đất đai; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Tường Tú