Thừa Thiên Huế: Thu hồi đất dự án Khu du lịch Hồ Thủy Tiên hơn 70 tỷ đồng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 06/01/2017

(TN&MT) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định thu hồi dự án Trung tâm vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên có vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng (tại đồi Thiên An, TP. Huế) và bàn giao lại cho Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) quản lý.
Cổng vào khu du lịch giải trí Hồ Thủy Tiên
Cổng vào khu du lịch giải trí Hồ Thủy Tiên

Dự án Hồ Thủy Tiên do Công ty TNHH Haco Huế làm chủ với khu đất rộng 495.929 m2 cùng các cung trình trên đất sẽ bị thu hồi và bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN & MT Thừa Thiên Huế quản lý.

Một trong những biệt thự xây dang dở giữa đồi thông Thiên An
Một trong những biệt thự xây dang dở giữa đồi thông Thiên An

Theo đó, công ty trên đã đưa dự án khu du lịch Hồ Thủy Tiên vào sử dụng chậm tiến độ, vi phạm Luật đất đai năm 2013 tại điểm g, khoản 1, Điều 64. Sau khi khu đất này bị thu hồi, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư mới vào khu vực này.

: Khu sân khấu nhạc nước bị bỏ hoang rỉ sét, cây bụi mọc um tùm che hết cả lối đi vào
: Khu sân khấu nhạc nước bị bỏ hoang rỉ sét, cây bụi mọc um tùm che hết cả lối đi vào

Được biết, Khu du lịch Hồ Thủy Tiên khởi công đầu năm 2001, do Công ty du lịch Cố Đô (lúc đó là doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Thừa Thiên Huế) đầu tư. Giai đoạn 1 đã xây dựng xong với tổng vốn hơn 70 tỉ đồng, gồm các hạng mục chính như khu trò chơi mạo hiểm, nhà thủy cung, khu công viên nước, khu không gian ba chiều, khu vườn thần tiên, khu làng văn hóa và các trò chơi nước trên hồ Thủy Tiên.

"Thủy Cung" một trong những hạng mục công trình có quy mô hoành tráng bậc nhất tại khu du lịch sinh thái Hồ Thủy Tiên sau nhiều năm bỏ hoang trở nên hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng

Đến tháng 6/2004, Khu du lịch bắt đầu mở cửa đón khách tham quan. Tuy nhiên, cùng với việc khai thác kém hiệu quả và nhiều lý do khác, công ty này đã phải dừng thi công khi nhiều công trình đang còn dang dở.

Năm 2008, trước sức ép của hai ngân hàng cho vay đòi nợ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho bán và Công ty Haco Huế (một nhà đầu tư đến từ Hà Nội) đã mua lại với giá 40 tỉ đồng, được quyền sử dụng 50 năm.

Nhiều hạng mục đươc xây dựng, sau nhiều năm bỏ hoang đã xuống cấp, hoang phế
Nhiều hạng mục đươc xây dựng, sau nhiều năm bỏ hoang đã xuống cấp, hoang phế

Kể từ ngày mua cho đến nay, nhà đầu tư mới gần như không đầu tư gì vào trung tâm này. Lượng khách ngày càng ế ẩm, các công trình tiếp tục bỏ hoang và xuống cấp theo thời gian.

                                                                                                Bài & ảnh:Đức Linh