Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: Đòn bẩy phát triển bền vững kinh tế biển

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/01/2017

(TN&MT) - Luật Tài nguyên, môi trường (TNMT) biển và hải đảo có hiệu lực từ 1/7/2016, song đã thể hiện khá rõ vị thế khi tạo sự chuyển biến tích cực và thay đổi đáng kể trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, công cụ điều phối, phối hợp trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Đặc biệt, với việc ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, Luật TNMT biển và hải đảo đã được sớm đưa vào triển khai ở hầu hết các địa phương có biển. Để hiểu hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Ông Nguyễn Thành Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh 

PV: Năm 2016 là năm đầu tiên Luật TNMT biển và hải đảo có hiệu lực thi hành, xin ông cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã triển khai như thế nào để Luật sớm đi vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Thành Minh: Luật TNMT biển và hải đảo được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Chính vì vậy, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xác định năm 2016 là năm phải dốc toàn lực để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bởi lẽ, muốn Luật được sớm thực thi, đi vào cuộc sống, làm “điểm tựa” cho công tác quản lý ngành, không thể thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Kết quả, Tổng cục đã bảo đảm hoàn thành việc xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật TNMT biển và hải đảo và không nợ đọng văn bản pháp luật sau khi Luật được ban hành.

Cụ thể, Tổng cục đã tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương có biển xây dựng và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật TNMT biển và hải đảo, gồm 2 Nghị định của Chính phủ; 1 dự thảo Quyết định chuyển Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và trình Bộ ban hành 6 Thông tư. Trong đó, có nhiều quy định quan trọng đã được ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề đang còn gây lúng túng trong công tác quản lý như thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, nhận chìm ở biển...

Bên cạnh việc hoàn thiện trình Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, Tổng cục đang nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị cho việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ các công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức 2 đợt tập huấn về Luật TNMT biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho gần 200 cán bộ, công chức, viên chức của các Bộ, ngành, địa phương; phối hợp, phổ biến Luật TNMT biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho trên 1.000 cán bộ, công chức, viên chức các địa phương có biển. Từ hoạt động này, nhiều địa phương có biển trên cả nước đã chủ động tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến các Sở, ban, ngành và địa phương ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Thuận, Cà Mau để nắm bắt được tinh thần của Luật và áp dụng, triển khai tại địa phương.

PV: Trên thực tế, khi thực thi pháp luật TNMT biển trong hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Tổng cục đã triển khai thực hiện ra sao trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Minh: Luật TNMT biển và hải đảo mới có hiệu lực được 5 tháng, tuy vậy, đã có khá nhiều các hoạt động kinh tế - xã hội và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện quản lý theo Luật TNMT biển và hải đảo như:

Với sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Tổng cục đã tổ chức các đoàn quan trắc nước biển xa bờ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế phục vụ việc đánh giá chất lượng môi trường biển tại các tỉnh nói trên. Đồng thời  xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển trong công tác bảo vệ môi trường biển.

Với việc trình Bộ ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BTNMT ngày 28/10/2016 về việc công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và ban hành Hướng dẫn kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm vùng ven biển Việt Nam đã tạo được cơ sở pháp lý cơ bản để tổ chức giao khu vực biển và thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Tổng cục đã tiếp nhận, tổ chức thẩm định một số hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Bộ và Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã trình Bộ ban hành quyết định giao khu vực biển cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tại tỉnh Cà Mau; đang xem xét 2 hồ sơ đề nghị giao khu vực biển tại tỉnh Bình Thuận của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và khu vực biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Thực hiện Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, một số địa phương đã tổ chức giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng như Quảng Ninh (giao 1 khu vực), Bình Thuận (giao 1 khu vực), Kiên Giang (giao 2 khu vực)...

Về hoạt động cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, Tổng cục cũng tiếp nhận và tham mưu với Bộ và thực hiện các thủ tục để Bộ cấp phép cho Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương (CHLB Nga) sử dụng Tàu Viện sỹ Oparin và Viện nghiên cứu công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) sử dụng Tàu Falkor vào nghiên cứu khoa học tại vùng biển của Việt Nam…

Các hoạt động kinh tế - xã hội và vấn đề môi trường biển đang diễn ra rất sôi động tại các địa phương có biển và các hoạt động này sẽ được từng bước đưa vào quản lý theo quy định của Luật TNMT biển và hải đảo và chắc rằng trong thời gian không xa, Luật sẽ đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

PV: Để quản lý hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển bền vững, theo đúng tinh thần mà Luật TNMT biển và hải đảo đã đề ra, theo ông khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng ta là gì?

Ông Nguyễn Thành Minh: Qua hoạt động triển khai thực hiện pháp luật TNMT biển và hải đảo tới địa phương cũng như qua thực tế tham mưu cho Bộ TNMT ra các quyết định về cấp phép về giao khu vực biển, nhận chìm ở biển, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vào nghiên cứu khoa học trên biển… cho thấy, việc thực thi pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo liên quan đến nhiều Bộ, ngành, va chạm nhiều đến các lĩnh vực, ngành cùng khai thác biển nên đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác phối kết hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu…

Trong khi đó, nhân sự phục vụ hoạt động quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo còn thiếu và yếu so với yêu cầu thực thi nhiệm vụ. Kinh phí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đặc thù phân bổ lại rất hạn hẹp, do đó, gây ra khó khăn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.

Đặc biệt, tại các Chi cục Biển và Hải đảo ở các địa phương có biển cũng như ngay tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ quản lý Nhà nước về TNMT biển và hải đảo  còn rất thiếu và yếu. Đơn cử như hiện tại hệ thống công cụ, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý và theo dõi công tác giao khu vực biển của Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo hoàn toàn chưa có. Cơ sở dữ liệu liên quan chưa hình thành, cơ sở dữ liệu hải đồ chưa xây dựng, trang thiết bị máy tính và hạ tầng công nghệ thông tin không đủ đáp ứng công tác. Hiện nay, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo mới đang triển khai vấn đề này để có các phần mềm chuyên dụng thực hiện nhiệm vụ, cũng như mua sắm trang thiết bị cần thiết để tạo thành hệ thống triển khai trên thực địa. Ở các địa phương, hiện trạng cũng tương tự như Trung ương, hầu hết các tỉnh, thành phố chưa có được hệ thống kỹ thuật phục vụ công tác quản lý và theo dõi công tác giao khu vực biển đáp ứng được ở mức tối thiểu hỗ trợ cho công tác bàn giao trên thực địa cũng như quản lý. Đây chính là “khâu yếu” cần được kịp thời bổ sung, khắc phục sớm nhằm phục vụ tốt hoạt động quản lý nhà nước về TNMT biển và hải đảo trong trong năm tới.

PV: Bước sang năm 2017, một năm dự kiến sẽ có nhiều biến động xung quanh việc thực thi Luật TNMT biển và hải đảo với phương thức quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ có những định hướng gì cho vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Minh: Trước hết, tôi cho rằng, để giải quyết tốt hoạt động quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định kỹ thuật và triển khai có hiệu quả hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch phục vụ quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo.

Về tài chính, cần tập trung các nguồn lực cả trong nước và nước ngoài để thực hiện các dự án, nhiệm vụ trọng tâm như các dự án Chính phủ liên quan đến biển; các dự án, nhiệm vụ về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; các nhiệm vụ triển khai thực hiện Luật TNMT biển và hải đảo… trong khi khả năng cân đối còn có hạn, do vậy, cần có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho vấn đề này. Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động điều tra cơ bản về biển và hải đảo. Nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đáp ứng một bước hạ tầng thông tin kỹ thuật cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, góp phần cung cấp thông tin kịp thời, đủ độ tin cậy về dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và trên các đảo.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các văn bản và các thủ tục quản lý các đề tài, dự án và các hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến biển.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc giao khu vực biển, thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo tại các địa phương ven biển…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển và hải đảo. Đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Trong đó, chú trọng đến phổ biến, tuyên truyền Luật TNMT biển và hải đảo. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các vùng biển, ven biển và hải đảo Việt Nam.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Liên (thực hiện)