Đà Nẵng: Quản lý lưu vực sông vì an ninh nguồn nước
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 15/12/2016
(TN&MT) - Vài năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc vận hành các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn, đặc biệt là hồ thủy điện Đăk Mi 4, đã làm cho hiện tượng xâm nhập mặn qua cửa Hàn lấn sâu vào đất liền với nồng độ mặn cao, tần suất xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng lớn tới nguồn nước sông Vu Gia – Thu Bồn (nguồn cung cấp nước cho TP. Đà Nẵng).
Việc vận hành hồ thủy điện Dak Mi 4 đã làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn vào đất liền |
Nguồn cung cấp nước cho TP. Đà Nẵng đang bị đe dọa
Nhà máy nước Cầu Đỏ thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) cung cấp 74% lượng nước cấp cho sinh hoạt toàn thành phố, theo thiết kế là 80%. Nhà máy lấy nước trực tiếp từ hạ nguồn sông Vu Gia tại vị trí cách cửa biển 13 km. Vài năm gần đây, do nhiều nguyên nhân trong đó có việc vận hành các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn, đặc biệt là hồ thủy điện Đăk Mi 4, đã làm cho hiện tượng xâm nhập mặn qua cửa Hàn lấn sâu vào đất liền với nồng độ mặn cao và với tần suất xảy ra thường xuyên.
Độ mặn cao nhất trên sông Vu Gia tại vị trí Cầu Đỏ năm 2013 đạt 6961 mg/l, cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó tổng số ngày nguồn nước tại đây không đủ tiêu chuẩn sử dụng cho nhà máy do mặn lên tới 183 ngày. Trong những ngày này, DAWACO phải bơm nước về từ đập An Trạch cách Cầu Đỏ 8 km về phía thượng lưu. Việc bơm nước này đã làm cho chi phí sản xuất nước của DAWACO tăng lên tới 12.8 tỷ đồng năm 2013. So với khi chưa có hồ Đăk Mi 4 thì chi phí tăng thêm khoảng 12 tỷ/năm. Ngoài ra, việc lấy nước phục vụ cho sinh hoạt tại Đà Nẵng từ thượng lưu đập An Trạch, trong tương lai khi cao trình mức nước không đủ để vận hành trạm bơm nước thô An Trạch hoặc khi có sự cố về nguồn điện, sự cố đường ống dẫn nước thô về NMN Cầu Đỏ thì nguồn cung cấp nước cho thành phố Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh giá nước sinh hoạt và phí bảo vệ môi trường từ tháng 2 năm 2014. Theo ông Nguyễn Trường Ảnh- Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) thì nguyên nhân điều chỉnh giá nước một phần là do liên tiếp những năm gần đây các nhà máy thuỷ điện chặn dòng ở thượng nguồn.
Giá nước sinh hoạt tăng đã làm tăng chi tiêu cho sinh hoạt của hộ gia đình. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều nước cũng bị tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và người chịu thiệt thòi cuối cùng lại là người dân. Điều đó không công bằng cho người dân khi phải chi trả khoản chi phí tăng thêm của doanh nghiệp có nguyên nhân từ việc xây dựng và vận hành hồ thủy điện.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, nhu cầu tái thành lập Ban quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và Trung tâm Nghiên cứu Vu Gia – Thu Bồn rất cao và cấp thiết |
Vai trò cấp thiết của Ban quản lý lưu vực sông
Do lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (VGTB) nằm trên địa phận của nhiều tỉnh nên việc quản lý lưu vực sông đòi hỏi phải có sự tham gia của Quảng Nam, Thành phố Đà Nẵng, các bên liên quan khác và sự điều phối của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT). Mô hình hợp lý để quản lý lưu vực sông là thành lập Ban quản lý lưu vực sông (gọi tắt là RBO).
Các nỗ lực trước đây để thành lập RBO cho lưu vực VGTB đã gặp rất nhiều trở ngại, với hai lần thất bại khác nhau trong thập kỷ qua. Nguyên nhân của vấn đề này là do thành viên của RBO chưa có đủ trình độ chuyên môn và trách nhiệm chưa cao. Ngoài ra, thực tiễn có ghi nhận sự thiếu thốn về thông tin kỹ thuật, nguồn lực tài chính không đầy đủ, quá trình ra quyết định ngắn hạn, không đảm bảo hướng dẫn hoạt động. Những vấn đề này càng trầm trọng hơn khi thiếu sự tăng cường chỉ đạo hoạt động của RBO tại địa phương từ Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT.
Hiện nay, lưu vực phải đối mặt với nhiều thử thách, việc triển khai tích cực Nghị định số 120/2008/ND-CP của Chính phủ sẽ tạo cơ hội cho lưu vực VGTB xây dựng và thực hiện một cơ chế quản lý tài nguyên nước thông qua việc hình thành Ban quản lý lưu vực sông (RBO).
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, RBO sẽ ra quyết định thống nhất hoặc can thiệp vào quá trình ra quyết định đối với mọi hoạt động diễn ra trên lưu vực mà có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới nguồn nước của lưu vực sông. Khi đó việc xây dựng các thủy điện sẽ nhất nhất tuân theo quy hoạch đã được lập và phê duyệt. một ví dụ thực tế cho thấy, nếu Ban quản lý lưu vực sông VGTB trước đó được duy trì hoạt động hiệu quả thì thủy điện Sông Bung 4 đã có thể được xây dựng và vận hành trước khi có thủy điện chuyển nước Đăk Mi 4, tức là phần nào giảm được căng thẳng thiếu nước vào mùa cạn.
Theo hướng dẫn của Nghị định số 120/2008/NĐ-CP, RBO sẽ có Văn phòng kỹ thuật lưu vực sông hay còn gọi là Trung tâm Nghiên cứu Vu Gia - Thu Bồn. Trung tâm Nghiên cứu VGTB sẽ là tổ chức chính chịu trách nhiệm cung cấp thông tin để trợ giúp việc ra quyết định của RBO.
Trung tâm Nghiên cứu VGTB có nhiệm vụ: xây dựng và thực hiện chiến lược quản lý lưu vực VGTB; nâng cao năng lực kỹ thuật thông qua việc đảm bảo cơ chế tăng cường quản lý theo chiều ngang và theo chiều dọc để tối ưu hóa cơ hội phát triển, cũng như quản lý tài nguyên nước ở thượng lưu và hạ lưu; Trung tâm Nghiên cứu VGTB sẽ có thể cung cấp cơ sở khoa học, giải đáp các yêu cầu đặt ra bởi các nhà lãnh đạo địa phương và Ban quản lý lưu vực sông VGTB về quản lý tối ưu tài nguyên nước trong lưu vực.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, nhu cầu tái thành lập Ban quản lý lưu vực sông VGTB và Trung tâm Nghiên cứu VGTB rất cao và cấp thiết. TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần phải có sự quyết tâm cao cùng các cam kết về nguồn lực, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan bao gồm các công ty tư nhân có khai thác và sử dụng nguồn nước, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư sống trên lưu vực.
Bài và ảnh: Yến Nhi