Bảo vệ các dòng sông cho phát triển bền vững
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/12/2016
Từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, bờ biển vùng duyên hải miền Trung dài 1.200 km. Mỗi tỉnh, thành đều có ít nhất một con sông lớn như: sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Thừa Thiên - Huế, sông Vu Gia ở Đà Nẵng, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông Ba (Đà Rằng) ở Phú Yên, sông Cái ở Khánh Hòa (Nha Trang)...
Các lưu vực sông chính của các tỉnh duyên hải miền Trung (Ảnh: Trích từ Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) |
Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi, các cửa sông lại bị bồi lấp dẫn đến tình trạng lũ lụt lên rất nhanh và nguy hiểm. So với hai đầu đất nước, miền Trung năm nào cũng gồng mình gánh chịu hậu quả của BĐKH.
Năm 2013, bão Wutip (bão số 10) hoành hành miền Trung, gây ra trận “đại hồng thủy” làm 9 người chết, 199 người bị thương, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Cũng trong năm 2013, hoàn lưu bão Nari kết hợp không khí lạnh gây ra lũ lụt ở các tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam làm 41 người chết, 5 người mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập1. Nhiều tuyến đường sạt lở, chia cắt; trong khi tại miền núi, nước ngập tới mái nhà, cô lập nhiều xã, huyện...
Trong năm 2014, nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung gây nên tình trạng hạn hán nghiêm trọng, thậm chí, còn thiếu cả nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân ở một số địa phương.
Từ đầu năm 2015, Ninh Thuận, Bình Thuận là 2 tỉnh bị nắng hạn khốc liệt nhất. Tại tỉnh Bình Thuận, nắng hạn gay gắt từ đầu tháng 7/2014, đã làm dòng chảy trên các sông, suối cạn kiệt, nguồn nước trong các hồ chứa thiếu hụt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hiện tượng nước biển dâng cũng đáng báo động ở miền Trung. Trong nhiều năm qua, người dân định cư ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung luôn đối mặt với tình trạng xâm thực của sóng biển, nhất là vào mỗi mùa mưa bão. Mỗi lần như vậy, các đê, kè bị phá vỡ, xói lở dẫn đến nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác của người dân miền Trung đã bị sóng cuốn ra biển.
Theo kịch bản về BĐKH, nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng năm 2010, với lượng mưa biến đổi thất thường sẽ là tình trạng nước biển dâng dự báo sẽ tăng từ 28-33cm vào năm 2050, 42-57cm vào năm 2070 và 65-100cm vào cuối thế kỉ 21 và có tác động mạnh đến các hoạt động tưới tiêu, chống lũ của các lưu vực sông và sạt lở các bờ biển.
Điều đáng quan tâm là hiện nay, hầu hết các quy hoạch vùng, quy hoạch lưu vực sông tại các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung đều chưa xét đến yếu tố BĐKH và nước biển dâng. Nếu không có các giải pháp kịp thời và hữu hiệu để ứng phó thì tốc độ và quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương sẽ gặp nhiều rủi ro, bất trắc.
Trước thực tế đó, nghiên cứu tác động của hoạt động tân kiến tạo đối với sự biến đổi dòng chính các lưu vực sông khu vực miền Trung phục vụ bảo vệ các dòng sông của Bộ TN&MT sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội các tỉnh Trung Bộ.
Nghiên cứu này sẽ xác định các dịch chuyển tân kiến tạo dọc lưu vực dòng chính của các sông lớn khu vực miền Trung; dự báo xu thế diễn biến và biến đổi địa hình, địa mạo, cảnh quan của chúng trong điều kiện BĐKH. Đồng thời, đánh giá, dự báo được những tác động của hoạt động tân kiến tạo đến dòng chảy măt, nước dưới đất trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Từ đó, đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; bổ sung cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện kịch bản BĐKH và nước biển dâng.
Thu Giang - Khải Minh