Mường Nhé - Điện Biên: Rừng thành... nương rẫy

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 16/11/2016

(TN&MT) - Tình trạng khai thác, chặt phá rừng ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đang rơi vào "báo động đỏ", nguyên nhân chính là do tình hình người di cư tự do trên địa bàn diễn biến phức tạp, phá rừng làm nương rẫy.
2. Rừng ở Xã Chung Chải, huyện Mường Nhé bị tàn phá, chính quyền địa phương biết nhưng bất lực
Rừng ở Xã Chung Chả bị tàn phá, chính quyền địa phương biết nhưng bất lực.

Mường Nhé có diện tích rừng hơn 71.000 ha (rừng sản xuất 11.724,49ha; rừng phòng hộ 21.841,34ha; rừng đặc dụng là 35.019,12ha). Trước đây, Mường Nhé nổi tiếng hoang sơ, với những tán rừng nguyên sinh bạt ngàn. Nhưng khi Ban Chỉ đạo điều tra kiểm kê rừng Điện Biên (giai đoạn 2014 - 2016) thực hiện rà soát, kiểm đếm lại toàn bộ diện tích rừng, người ta mới giật mình bởi diện tích rừng đã mất, tỷ lệ che phủ rừng của Mường Nhé chỉ còn 45,3%.

Theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, tình trạng phá rừng càng trở nên nhức nhối. Từ năm 2015 đến tháng 6/2016, trên địa bàn huyện đã phát hiện 313 vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị phá là 296,3ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, có 187 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Phát hiện 44 đối tượng vi phạm, thu giữ 99 hộp, lóng gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Tổng diện tích rừng tàn phá là 153,67ha.

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Đỉnh điểm của tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn huyện Mường Nhé là vụ việc ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè vào ngày 30/4/2011. Hàng nghìn người dân di cư tự do vào địa bàn huyện. Tuy đã được chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng vận động và đưa trở về quê hương nhưng một số người cố chấp, bỏ trốn vào rừng sâu không chịu về. Từ sau thời điểm 30/4/2011 đến nay, tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn huyện Mường Nhé vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tại, các cơ quan chức năng của huyện xác định vẫn còn 355 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu là dân di cư tự do từ nơi khác đến.

Còn ông Lò Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: Đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái phép chủ yếu là dân di cư tự do, chưa có hộ khẩu thường trú. Với hành vi phá rừng tinh vi, có tổ chức, số lượng người tham gia phá rừng đông, khi bị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phát hiện, tìm mọi cách để lẩn trốn, không hợp tác, khai báo bằng tên và địa chỉ giả nên rất khó xử lý. Một số người dân còn có dấu hiệu chống người thi hành công vụ, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Rừng Mường Nhé đang bị “chảy máu”
Rừng Mường Nhé đang bị “chảy máu”.

Được biết, năm 2013, đã có 40 hộ gia đình với tổng số 275 nhân khẩu di cư tự do vào huyện Mường Nhé. Năm 2014, có 11 hộ với 61 nhân khẩu cũng di cư đến. Trong 2 năm này, Chính quyền huyện Mường Nhé đã tiến hành di chuyển 17 hộ với tổng số 85 nhân khẩu về nơi xuất cư, nhưng sau đó, nhiều hộ gia đình lại quay trở lại.

Từ tháng 1/2015 đến nay, phát hiện 45 hộ, 193 nhân khẩu di cư vào địa bàn. UBND huyện Mường Nhé đã thành lập các tổ công tác liên ngành vận động đưa dân về nơi xuất cư nhưng đa số các hộ dân đều cố tình bỏ trốn hoặc không chấp hành. Có trường hợp 10 hộ dân thuộc huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La, chính quyền huyện Mường Nhé đã 3 lần tổ chức đưa về trao trả UBND huyện Thuận Châu, nhưng vẫn tiếp tục quay trở lại Mường Nhé. Nhiều hộ di cư vào địa bàn thường lẩn trốn trong rừng, phá rừng lấy đất sản xuất nhưng được các hộ dân di cư trước (họ hàng) che giấu không khai báo với chính quyền địa phương.

Ghi nhận tại xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, một trong những điểm nóng về tình trạng dân di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy. Ông Vi Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhé, cho biết: Trong năm 2016, xã Mường Nhé đã lập biên bản đối với 29 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Chủ yếu ở các điểm bản Nà Pán và bản Mường Nhé 2. Riêng bản Nà Pán, dân di cư 100% là người dân tỉnh Sơn La. Hiện tại, có 22 hộ làm nhà trong rừng. Không có đất sản xuất, họ phá rừng, toàn bộ diện tích 224,07ha rừng giao cho cộng đồng bản Nà Pán quản lý đến nay, đã mất hoàn toàn. Họ thường phá rừng vào ban đêm, rất khó để phát hiện. Ngày 3/3/2015, khi lực lượng chức năng phát hiện, tiến hành lập biên bản đối với việc phá rừng của dân di cư, họ lôi kéo, gọi điện cho anh em họ hàng về hỗ trợ, gây áp lực cho các lực lượng chức năng.

Một trùng hợp khá bất ngờ, cũng vào ngày 3/3/2016, tại khe suối Huổi Sủng, xã Mường Nhé, gần 20ha rừng bị chặt phá, khi hành vi phá rừng trái phép bị phát hiện, chính quyền xã cùng lực lượng kiểm lâm tiến hành điều tra, nhiều người phá rừng đã dùng gậy gỗ, dao phát tấn công đoàn cán bộ kiểm lâm, cán bộ xã và nhân dân địa phương đi kiểm tra rừng, làm một số người bị thương. Nhóm người này còn bắt giữ các cán bộ kiểm lâm để yêu sách đòi được làm nương trên diện tích rừng do họ phá trái phép.

“Việc phá rừng là do cộng đồng dân cư bản Mường Nhé 2, được thành lập theo Đề án 79. Hầu hết là dân di cư được tuyển vào làm nhân viên của công ty cao su. Chính vì không có đất sản xuất nên họ đã chặt phá rừng. Hơn nữa là phá rừng có tổ chức, chống đối người thi hành công vụ. Đây cũng là một vấn đề bất cập, khi chưa kịp thời bố trí đất sản xuất cho người dân di cư. Đến nay, chưa biết được diện tích rừng có tiếp tục bị phá hay không bởi không có ai dám vào tuần tra  bởi dân di cư đe dọa.” – ông Lưu cho biết thêm

Trước thực trạng trên, đề nghị tỉnh Điện Biên có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn kịp thời tình trạng dân di cư tự do. Có những chính sách ổn định dân cư trên địa bàn huyện Mường Nhé, vào cuộc để ngăn tình trạng “chảy máu” của những cánh rừng.

Bài và ảnh:Hà Quân