Nghệ An: Tiến độ bàn giao đất lâm nghiệp cho dân đang chậm
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 16/11/2016
Từ nhiều đời nay, người dân ở các huyện miền núi như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dường, Kỳ Sơn… đều sống dựa vào rừng để tìm kế sinh nhai, từng bước thoát nghèo. Với đặc thù như vậy nên để có cái ăn, ổn định cuộc sống, người dân miền núi rất cần đất lâm nghiệp để làm tư liệu sản xuất. Bên cạnh đó, chủ trương giao đất giao rừng cho người dân cũng nhằm mục tiêu tạo điều kiện về tư liệu sản xuất ổn định cuộc sống lâu dài và góp phần cùng với Nhà nước quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Tuy nhiên, do áp lực về đời sống, tốc độ tăng trưởng dân số và nhiều nguyên nhân khác nên diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi trong những năm qua đang ngày càng bị thu hẹp. Trước nhu cầu này, tình trạng người dân tự ý vào rừng chặt phá cây cối của các đơn vị nông lâm trường trên địa bàn đã từng xảy ra. Đơn cử, sự việc hàng trăm người dân ở xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) vào chặt phá cây lâm nghiệp, lấn chiếm đất rừng thuộc diện tích của Lâm trường Cô Ba vào năm 2014 là một minh chứng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xảy ra cũng do thiếu đất sản xuất nhiều năm liên tục khiến người bức xúc. Đây cũng là thực trạng đang tồn tại ở các địa phương trên địa bàn huyện Quỳ Châu trong suốt thời gian qua. Chính vì vậy, công tác giữ và bảo vệ rừng ngày càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Người dân rất cần bàn giao đất lâm nghiệp để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài |
Trong khi đó, với 7 Công ty TNHH MTV trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An được giao quản lý trên 16.000ha đất và các công ty lâm nghiệp cùng với Ban quản lý rừng phòng hộ gần 600.000ha. Được giao quyền quản lý nguồn quỹ đất lớn là vậy nhưng trên thực tế, các đơn vị này vẫn không thể phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Nhiều đơn vị lâm nghiệp phải giao khoán hầu hết các diện tích đất nói trên cho hộ nông trường viên sản xuất, canh tác. Còn tình trạng người dân thiếu đất sản xuất lâm nghiệp vẫn đang trở thành vấn đề “nóng” ở nhiều địa phương của tỉnh.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An thì đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 6.000 hộ dân thiếu đất sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu ăn, nghèo đói diễn ra triền miên trong thời gian qua ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Ông Sầm Văn Cường, một người dân ở bản Đôm, xã Châu Phong (Quỳ Châu) cho biết: “Nhà mình có 5 miệng ăn nhưng chỉ biết sống nhờ vạt rẫy nơi bìa rừng gần nhà. Đến mùa gieo hạt nhưng chỉ cần 2 vợ chồng làm một buổi đã hết. Các con nay đã lớn đã lấy vợ lấy chồng nhưng không có đất để làm lúa, làm rẫy và trồng rừng nữa. Nếu mà cứ phát rừng làm rẫy như ngày trước thì bị nhà nước cấm không cho nữa. Vì rứa nên bắt buộc các con phải đi làm thuê ở nơi xa mà cả năm mới chỉ về có một lần. Cái nghèo vẫn kéo dài mãi trong khi đất sản xuất vẫn không có để làm”.
Người dân rất cần bàn giao đất lâm nghiệp để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài |
Qua tìm hiểu thực tế tại các xã của huyện Quỳ Châu thì nhu cầu có đất lâm nghiệp để sản xuất của người dân ở đây rất lớn. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Quỳ Châu thì thời gian qua, người dân trên địa bàn cần giao với diện tích khoảng trên 14.000ha với tổng số trên 4.300 hộ thuộc 10 xã. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, để công tác bàn giao đất lâm nghiệp cho người dân có tư liệu sản xuất hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thiếu kinh phí để làm công tác đo đạc thực địa, cắm mốc và triển khai các thủ tục cần thiết đến với người dân. Trong tổng số diện tích đất lâm nghiệp cần bàn giao cho người dân thì đến thời điểm hiện nay vẫn còn gần 470ha chưa thể đến được với người dân. Phần lớn diện tích đất này là rừng tự nhiên nằm ở xa trung tâm xã, xa khu dân cư và có địa hình phức tạp.
Tại huyện Quế Phong tình trạng thiếu đất lầm nghiệp sản xuất đang khiến người dân ở nhiều xã gặp nhiều khó khăn. Theo Phòng TN&MT huyện này thì đến nay, toàn huyện mới cấp được 3.759 giấy CNQSDĐ với diện tích 20.462ha. Được biết, hiện nay Quế Phong có 178. 000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 42.000 ha rừng phòng hộ, đất quy hoạch rừng sản xuất 61.000 ha, hiện vẫn còn 33.000 ha đất trống trong quy hoạch rừng sản xuất. Tuy nhiên hiện nay cũng đang xẩy ra một thực trạng khiến người dân lo ngại là hàng nghìn héc ta đất đã và đang được quy hoạch để giao cho một số công ty thực hiện dự án. Theo đó, hiện Công ty TNHH Thanh Thành Đạt được quy hoạch với diện tích trên 2.860ha; Công ty Cao su được quy hoạch gần 3.100ha; Công ty CP đầu tư tài chính Bất động sản Việt quy hoạch hơn 3.600ha; Công ty Nafoods quy hoạch 900ha. Điều này cũng đồng nghĩa với quỹ đất lâm nghiệp dành cho dân sẽ giảm đi đáng kể.
Được biết, theo phản ánh ở nhiều địa phương khác thì công tác bàn giao đất lâm nghiệp để người dân có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài hiện vẫn rất chậm. Bên cạnh đó, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau khi đã được bàn giao còn gặp nhiều vướng mắc.
Ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nghệ An cho rằng, nguyên nhân khiến tiến độ bàn giao đất lâm nghiệp cho người dân trong thời gian qua còn chậm do thiếu kinh phí để các huyện miền núi thực hiệc việc đo đạc địa chính. Đây cũng là khó khăn, vướng mắc hiện nay cần được sự hỗ trợ của tỉnh nhằm giúp các địa phương rà soát hồ sơ lâm nghiệp để hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân yên tâm sản xuất lâu dài. Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ bàn giao được hơn 8.000ha đất lâm trường cho người dân sản xuất.
Trước thực trạng nói trên, các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan cần sớm đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất lâm nghiệp cho người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Đặc biệt, đối với số diện tích đất rừng sau khi thu hồi từ các nông, lâm trường…cần khẩn trương bàn giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ngoài ra, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương sau khi tiếp nhận diện tích đất từ các nông, lâm trường cũng cần nâng cao hơn nữa, tránh trường hợp người dân sau khi có tư liệu sản xuất rồi bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.
Đình Tiệp